Cần bắt đầu từ việc lắng nghe tiếng nói của phụ nữ, trẻ em gái; xây dựng luật pháp và chính sách để có thể giúp họ thực hiện các quyền của mình và đưa ra quyết định đúng đắn
Trong dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế hướng đến chính sách nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Chênh lệch giới tính cao
Theo các chuyên gia dân số, tại Việt Nam, vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang tăng nhanh và ở mức cao với 112 bé trai/100 bé gái.
Năm 2022, 45.900 trẻ em gái không được sinh ra do lựa chọn giới tính thai nhi. Còn theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và sẽ tăng lên 2,5 triệu vào 25 năm sau đó.
Ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam cao ngay từ lần sinh đầu tiên, cao hơn hẳn ở những lần sinh sau, đối với những gia đình chưa có con trai.
Mức độ mất cân bằng giới tính cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao và điều kiện kinh tế khá giả.
Các chuyên gia dân số cho rằng để giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam hiện nay, phải giải quyết nguyên nhân "gốc rễ" của vấn đề, tức là thay đổi nhận thức của người dân. Đồng thời, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, hướng đến một xã hội bình đẳng hơn.
"Sự ra đời của Luật Bình đẳng giới là sự khẳng định rõ ràng nhất, tập trung nhất nỗ lực và bước tiến không ngừng của Việt Nam trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng nam nữ, xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và đưa ra những biện pháp thiết thực có tính đến những đặc thù về giới tính của phụ nữ" - ông Phạm Vũ Hoàng nhận định.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy mặc dù người phụ nữ có những đóng góp to lớn trong chính trị, kinh tế - xã hội và đặc biệt là vai trò của họ trong gia đình và cộng đồng nhưng nhận thức về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới còn hạn chế.
Tình trạng "trọng nam khinh nữ" vẫn còn nặng nề, phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thiệt thòi.
Đây thực sự là rào cản lớn đối với việc nâng cao vị thế của trẻ em gái trong hiện tại và tương lai. Đặc biệt, hội chứng sợ kết hôn đang gia tăng ở Việt Nam có thể có nguyên nhân sâu xa từ những tư tưởng bất bình đẳng giới.
Nhiều phụ nữ chọn làm mẹ đơn thân không hẳn vì muốn phát triển sự nghiệp, mà sâu xa họ nhìn thấy áp lực sinh ra từ việc bất bình đẳng giới.
Sinh con không chỉ là thiên chức mà còn là trách nhiệm của công dân đối với đất nước. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nâng cao quyền năng cho phụ nữ
Bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Thường trú của Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, cho rằng với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam hiện là quốc gia đông dân thứ 15 trên thế giới.
Tuy nhiên, từ năm 2011, Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số, với tốc độ nhanh hơn rất nhiều so với các nước khác. Dự báo, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 và "siêu già" vào năm 2049.
"Chúng ta phải đẩy nhanh tiến bộ trong bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
Phải hành động quyết liệt và ngay lập tức để bảo đảm rằng mọi phụ nữ đều có thể tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cần thiết khi mang thai và sinh con. Đầu tư vào sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục chính là đầu tư chấm dứt đói nghèo, chấm dứt bất bình đẳng" - bà Pauline Tamesis nói.
TS Hoàng Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số (CCIHP), cho biết phụ nữ ngày nay tự quyết định về việc lúc nào lập gia đình, lúc nào sinh con và sinh bao nhiêu con.
Thế nhưng, cuộc sống hiện tại khiến nhiều bạn trẻ "lực bất tòng tâm", muốn sinh con và sinh nhiều con mà điều kiện kinh tế lại không cho phép. Những gánh nặng, chuẩn mực mới của xã hội đã tạo áp lực khiến phụ nữ không muốn sinh nhiều con, thậm chí ngại sinh.
Họ không muốn sinh con rồi bị cuốn vào gánh nặng cơm áo gạo tiền, bị tụt hậu trong công việc và con cái không được nuôi dạy tốt nhất.
Hướng đi mới cho dân số (*): Để lao động nữ bớt sợ sinh con
Hướng đi mới cho dân số: Già hóa dân số diễn ra nhanh ở Việt Nam
Hướng đi mới cho dân số (*): Nhiều gia đình trẻ ngại sinh con, vì sao?
"Cách tiếp cận phù hợp nhất chính là tôn trọng quyền và hiểu được nhu cầu của giới trẻ để tìm cách tháo gỡ. Nguồn lực của Việt Nam có hạn nên các giải pháp to lớn như tạo điều kiện về nhà ở cho giới trẻ, trợ cấp gia đình, học phí... sẽ khó thực hiện.
Trước mắt, cần gắn trách nhiệm này cho các doanh nghiệp, cơ quan mà người lao động đang làm, đặc biệt là các khu công nghiệp, nơi có các công nhân đang độ tuổi sinh đẻ.
Những nơi này cần phải tạo điều kiện cho người lao động về nhà ở, tạo điều kiện thuận lợi khi nữ lao động mang thai, sinh con, có nhà trẻ miễn phí cho họ gửi con… Như vậy, các giải pháp mới có thể sớm đi vào cuộc sống giúp giới trẻ yên tâm hơn để sinh con" - TS Hoàng Tú Anh phân tích.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Thường Lạng, giảng viên cao cấp Viện Thương mại và kinh tế quốc tế - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nếu chất lượng dân số tăng, trình độ tốt, kỷ luật lao động tốt có khả năng tạo ra năng suất lao động thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng tốt.
"Để chất lượng dân số tốt hơn thì chính sách dân số phải có điều chỉnh. Chúng ta phải tạo ra nguồn lực dân số để đến thời điểm 2036, có lực lượng trẻ để bổ sung.
Cùng đó, nâng cao chất lượng dân số, rèn luyện kỹ năng, tăng cường kỷ luật lao động để tạo ra năng suất lao động cao nhất. Đặc biệt, cần phải coi trọng vấn đề giáo dục, sức khỏe bà mẹ và chế độ dinh dưỡng...
Ngoài ra, cần tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của các cá nhân, gia đình, để các cặp vợ chồng hiểu việc "sinh con đẻ cái" không chỉ là thiên chức mà còn trách nhiệm với đất nước" - PGS-TS Nguyễn Thường Lạng nói.
Tiêu chí hạnh phúc đóng vai trò quan trọng
Theo luật sư Phùng Huyền (Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH A+), cần hiểu rằng nguyên nhân lười sinh không hẳn vì lo ngại tài chính mà gốc rễ nằm ở câu hỏi "Làm sao khi sinh ra, con được hạnh phúc?".
"Hãy giải quyết vấn đề theo hướng này. Nếu cuộc sống của người dân hạnh phúc, mối quan hệ hôn nhân hạnh phúc thì tự khắc họ sẽ muốn có trái ngọt từ tình yêu đó" - luật sư Phùng Huyền nêu ý kiến.
Trong khi đó, ThS Nguyễn Thị Ngọc Vui, giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM, cho rằng cần một "hệ sinh thái tinh thần" cho người phụ nữ nhìn thấy được họ sinh con sẽ không phải trả giá quá nhiều mà còn có muôn vàn hạnh phúc.
Họ phải có cảm giác được an toàn, được công nhận, được ưu ái khi sinh con. Để tạo được điều này, nhà nước cần có những chính sách cụ thể hơn nữa và toàn xã hội phải cùng chung tay.
A.Vũ
Hỗ trợ từ tài chính đến môi trường làm việc
Đối mặt với khủng hoảng dân số do tỉ lệ sinh thấp, nhiều quốc gia đã triển khai nhiều biện pháp khuyến khích sinh con.
Tại Hàn Quốc, hãng thông tấn Yonhap dẫn thông báo đầu tháng 7-2024, Thị trưởng TP Incheon Yoo Jeong Bok công bố chính sách mang tên "Ngôi nhà cho những đứa trẻ" từ năm 2025, nhằm giải quyết vấn đề nhà ở cho các cặp vợ chồng mới cưới, qua đó giúp cải thiện tỉ lệ sinh thấp.
Trước đó, giới chức Incheon công bố kế hoạch cung cấp nhà ở với mức giá thuê 1.000 won (khoảng 18.000 đồng) mỗi ngày cho các cặp vợ chồng mới cưới trong vòng tối đa 6 năm kể từ ngày kết hôn.
Ngoài ra, chính quyền TP Incheon còn quyết định hạ lãi suất cho vay để hỗ trợ các gia đình trong việc mua nhà ở tại thủ đô.
Với nỗ lực thúc đẩy tỉ lệ sinh, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đề xuất thành lập Bộ Cải thiện tỉ lệ sinh thấp nhằm giải quyết tình trạng tỉ lệ sinh tiếp tục suy giảm, bất chấp việc chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư một khoản tiền lớn để khuyến khích phụ nữ sinh thêm con (trợ cấp tiền mặt, dịch vụ trông trẻ, hỗ trợ điều trị hiếm muộn).
Xem tỉ lệ sinh thấp là "tình trạng khẩn cấp quốc gia", chính phủ Nhật Bản đang xem xét chi trả toàn bộ chi phí sinh con theo hệ thống bảo hiểm y tế công từ tài khóa 2026. Song song đó, các doanh nghiệp Nhật Bản tạo điều kiện cho lao động nam nghỉ phép để chăm con nhỏ.
Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu nâng tỉ lệ người lao động nghỉ thai sản tại các công ty tư nhân lên 50% vào năm 2025. Từ tháng 4-2023, các công ty có hơn 1.000 nhân viên phải công bố số liệu về việc người lao động nghỉ thai sản.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang áp dụng nhiều biện pháp mạnh mẽ để khuyến khích người dân sinh con, gồm trợ cấp tiền để sinh con thứ 2 và thứ 3, hỗ trợ chăm sóc trẻ em và chi trả cho các phương pháp điều trị sinh sản.
X.Mai
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-7
Đăng thảo luận