Chính sách hỗ trợ mô hình nhà máy sản xuất thông minh đã có, quan trọng hơn cả là cần sự quyết tâm chuyển đổi của mỗi doanh nghiệp

Theo công ty nghiên cứu thị trường Precedence Research, quy mô thị trường sản xuất thông minh toàn cầu dự kiến đạt 304,51 tỉ USD năm 2024 và tăng lên 1.343 tỉ USD vào năm 2034, tốc độ tăng trưởng 16%/năm. Để phát triển bền vững, Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này song còn nhiều rào cản phải vượt qua.

Chi phí "khủng"

Ông Phan Tiến Đạt, CEO Công ty CP Dây cáp điện Lucky Star, cho biết doanh nghiệp (DN) rất muốn chuyển đổi sang mô hình nhà máy thông minh, ứng dụng internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), Bigdata... Tuy nhiên, hiện DN mới dừng ở công nghệ 2.0 - gồm tự động hóa quy trình ủ, dán tem nhãn, vận chuyển hàng lên kệ bằng robot... - và đang từng bước nâng cấp lên mức 3.0. "Bên cạnh nguyên nhân do nhận thức và trình độ của đội ngũ nhân sự chưa đáp ứng yêu cầu thì chi phí chuyển đổi cũng rất lớn, lên đến hàng chục tỉ đồng. Trong khi đó, rủi ro khó hoàn vốn rất cao, ước tính 70%-80%" - ông Đạt nêu thực tế.