Người lao động giao kết hợp đồng lao động có thời hạn từ một tháng trở lên phải tham gia BHXH bắt buộc nhưng tại TP HCM chỉ có hơn 50% số người trong độ tuổi lao động tham gia

Theo BHXH TP HCM, hiện toàn thành phố có khoảng 4,96 triệu người trong độ tuổi lao động. Tính đến hết tháng 6-2024, số người tham gia BHXH là 2.539.971 người, tăng 2,09% (tương đương 52.112 người) so với cùng kỳ năm 2023, đạt 51,2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Trong đó, số người tham gia BHXH bắt buộc là 2.500.928 người (chiếm hơn 50% số người trong độ tuổi lao động) và số tham gia BHXH tự nguyện là 39.043 người.

Đủ kiểu lách luật

Cũng theo BHXH TP HCM, hiện tổng số doanh nghiệp (DN) đã đăng ký thuế ở TP HCM là 324.603 DN. Số DN đã tham gia BHXH là 461.654, trong đó 348.249 DN có số lao động bằng 0 (DN đã từng tham gia BHXH hiện ngừng đóng, phá sản, giải thể hoặc chưa phát sinh quan hệ lao động…). Ngoài ra, BHXH thành phố phát hiện 7.912 DN có đăng ký thuế nhưng chưa tham gia BHXH và 49.433 DN đã tham gia BHXH nhưng tham gia chưa đầy đủ cho người lao động (NLĐ).

Để phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, thời gian qua, BHXH TP HCM đã thực hiện nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền; phối hợp cùng cơ quan thuế và các sở, ngành rà soát tình hình hoạt động của DN để kịp thời phát hiện những đơn vị trốn đóng, chậm đóng, yêu cầu tham gia BHXH theo đúng quy định; đôn đốc hoặc mời DN lên để đối chiếu, nhắc nhở, lập biên bản đối với các đơn vị có số nợ BHXH lớn; tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất đối với các đơn vị không chấp hành đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Tuy nhiên, hiệu quả có được từ những giải pháp trên chưa cao, số người tham gia BHXH vẫn khá thấp.

 Truy tận gốc doanh nghiệp trốn đóng BHXH 第1张

Cán bộ BHXH quận Tân Bình, TP HCM tuyên truyền chính sách BHXH cho người lao động

Theo ông Nguyễn Quốc Thanh, Phó Giám đốc BHXH TP HCM, có nhiều nguyên nhân khiến việc phát triển người tham gia BHXH bắt buộc ở thành phố còn hạn chế. Trong đó, một phần do công tác tuyển dụng của DN thời gian qua gặp khó, số NLĐ mất việc nhiều nhưng họ có xu hướng dịch chuyển công việc từ khu vực chính thức sang phi chính thức.

 Một phần vì tình trạng lách luật, trốn đóng BHXH cho NLĐ còn diễn ra phổ biến, nhất là ở DN nhỏ, siêu nhỏ, không có tổ chức Công đoàn hoặc các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ bảo vệ, xây dựng, cung ứng lao động… Căn cứ dữ liệu thuế năm 2023, toàn TP HCM có 57.345 DN (chủ yếu thuộc lĩnh vực dịch vụ bảo vệ, xây dựng, cung ứng lao động…) sử dụng 1.473.939 lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. 

Tuy nhiên, các DN này thường lách luật bằng cách không ký hợp đồng lao động, ký hợp đồng khoán việc, hợp đồng lao động dưới 14 ngày… để trốn đóng BHXH cho NLĐ. Ở một số DN nhỏ, khi cơ quan BHXH đến kiểm tra thì chỉ thấy treo biển hiệu, thực tế DN không hoạt động ở địa điểm đăng ký.

Hợp tác chặt chẽ với cơ quan thuế

Thời gian gần đây, thông qua việc chia sẻ dữ liệu với cơ quan thuế, cơ quan BHXH tại TP HCM đã thực hiện tra soát, đối chiếu số lượng DN giữa 2 bên, từ đó phát hiện nhiều trường hợp trốn đóng và buộc họ phải thực hiện nghĩa vụ tham gia BHXH cho NLĐ. Đây được xem là một trong những giải pháp hiệu quả trong công tác thu nộp và phát triển đối tượng tham gia BHXH tại thành phố hiện nay.

BHXH quận 7 là một trong những đơn vị thực hiện khá tốt giải pháp này. Đại diện BHXH quận 7 cho biết căn cứ dữ liệu thuế năm 2024 do BHXH thành phố chuyển qua thì toàn quận có 3.498 DN (79.170 lao động) có số lao động lệch với dữ liệu quyết toán thuế năm 2023 và 382 DN chưa tham gia BHXH cho 2.612 NLĐ. 

Khi rà soát số DN chưa tham gia BHXH thì chỉ có 99 DN còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký. BHXH quận đã gửi thông báo về việc đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ, đồng thời mời các DN này đến tham dự hội nghị khách hàng về phát triển đối tượng tham gia BHXH. Kết quả, 97/99 DN thông tin không có NLĐ thuộc đối tượng tham gia BHXH và 2 DN lập thủ tục tham gia BHXH cho 14 lao động.