Cào nghêu ở Tiền Giang, lội bộ qua ba đảo ở Kiên Giang hay check in cánh đồng điện gió Bạc Liêu là những trải nghiệm thiên nhiên cho du khách dịp 2/9.
Nếu đã đi Đà Lạt, Hội An, Ninh Bình để tận hưởng cảnh quan tươi đẹp và di sản, dịp nghỉ lễ 2/9, du khách từ TP HCM có thể làm mới trải nghiệm của bản thân với 5 điểm đến ở miền Tây.
Các địa điểm dưới đây được thảo luận nhiều trong nhóm miền Tây với hơn 130.000 thành viên, đồng thời được bạn trẻ địa phương và hướng dẫn viên du lịch gợi ý cho du khách từ TP HCM có 2-3 ngày nghỉ dịp 2/9, với nhiều hoạt động gần gũi thiên nhiên, thuận tiện đi bằng ôtô hoặc xe máy.
Cào nghêu ở biển Rạch Bùn, Tiền Giang
Cách TP HCM 60 km, biển Rạch Bùn tại xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông là điểm đến phù hợp cho chuyến du lịch ngắn ngày bằng xe máy. Cổng thông tin điện tử Tiền Giang giới thiệu đây là địa điểm "thoải mái check in, party giữa không gian rừng và biển". Thời gian thuận tiện nhất để xuống biển cào là từ 15h đến 17h.
Du khách đăng ký cào nghêu tại bãi, sẽ được cấp dụng cụ gồm rổ nhựa, cây cào và lưỡi liềm. Thời gian cào không giới hạn, khách cào xong có thể mua nghêu với giá 30.000 đồng một kg hoặc trả lại nghêu cho chủ bãi. Nếu khách cào được 10 kg sẽ được tặng một kg mang về.
Phan Thanh Ngân, 20 tuổi, đến từ Tiền Giang, cùng hai người bạn xuất phát từ TP HCM đến biển Rạch Bùn chơi hồi cuối tháng 6. Ngân nói, từ tháng 4 đến tháng 10 biển êm, thích hợp cho hoạt động cào nghêu trên bãi biển.
Thanh Ngân trải nghiệm cào nghêu tại biển Rạch Bùn. Ảnh: NVCC
"Vừa cào vừa nói chuyện với bạn bè cảm thấy thư giãn rất nhiều", Ngân nói và cho biết thường cùng bạn bè từ thành phố tới đây mỗi khi về quê.
Xuất phát từ TP HCM, du khách di chuyển khoảng 2 giờ 30 phút để đến biển thuộc huyện Gò Công. Vùng biển kéo dài từ thị trấn Vàm Láng đến cống Rạch Gốc. Men theo con đường trải nhựa, du khách sẽ ngắm nhìn bãi biển còn hoang sơ với bãi cát đen pha bùn đặc trưng.
Trải nghiệm cào nghêu trong ngày là đủ. Xung quanh khu vực biển Rạch Bùn có các homestay, nhà nghỉ cho du khách có nhu cầu ở lại qua đêm. Các hàng quán gần biển bán các món hải sản tươi sống như nghêu, ghẹ, tôm, sò điệp với giá 30.000 đến 200.000 một phần.
Bãi đá biển Tân Thành cách điểm cào nghêu 15 phút đi bộ cũng là điểm chụp ảnh được yêu thích.
Đi bộ giữa các đảo ở Ba Hòn Đầm, Kiên Giang
Theo trang thông tin Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, Ba Hòn Đầm gồm Hòn Đầm Đước, Hòn Đầm Dương và Hòn Đầm Giếng thuộc quần đảo Bà Lụa. Cụm đảo này nằm lệch về phía đông nam giữa thành phố Hà Tiên và Phú Quốc.
Ba Hòn Đầm nằm trong vùng biển nông, mực nước chỉ ngập đến thắt lưng người lớn. Do đó du khách có thể đi bộ giữa các đảo, lội nước hoặc đi ghe. Ngoài ra, khi thủy triều rút, phần đường bộ nối giữa các đảo lộ ra, du khách có thể băng qua đoạn đường này để di chuyển qua ba đảo.
Ba Hòn Đầm là sự lựa chọn mới mẻ cho du khách khi đến Kiên Giang. Ảnh: Thu Nguyên
"Đi bộ qua lại các đảo trên con đường cát giữa biển khá thú vị", Hồ Anh Tuấn, 21 tuổi, đến từ Kiên Giang nói. Tuấn đến Ba Hòn Đầm hồi cuối tháng 7, cho biết khung cảnh ở đây hoang sơ, không khí trong lành, "rất thư giãn".
Các hàng quán trên đảo không nhiều nhưng món ăn đa dạng, phần lớn là món từ hải sản như mực nướng, nhum biển nướng, canh cá bớp, cua hấp.
Trần Tuấn Long, hướng dẫn viên có 7 năm kinh nghiệm ở Kiên Giang và An Giang, cho biết trên đảo không có wifi, du khách cần đăng ký 4G. Nếu muốn ở lại qua đêm, du khách liên hệ nhà dân hoặc đặt trước tại khu du lịch Hòn Đầm Đước.
Để đến Ba Hòn Đầm, du khách đi xe máy 15 km từ thị trấn Kiên Lương đến bến tàu du lịch của huyện. Tại đây, du khách mua vé tàu khứ hồi giá 250.000 đồng, về trong ngày, vé không bán trực tuyến. Long nói du khách có thể đến bằng cách đặt trước vé tàu cao tốc ra khu du lịch Hòn Đầm Đước, nếu ở lại qua đêm, vé khứ hồi tăng thêm 50.000 đồng. Thời gian di chuyển ra đảo 30 đến 40 phút tùy vào tình hình biển.
Tuấn cho biết đến Ba Hòn Đầm trong ngày là đủ, nên kết hợp thăm các điểm khác ở Kiên Giang.
Xem thêm: Cẩm nang du lịch Kiên Giang
Check in suối Tà Lọt, An Giang
Suối Tà Lọt nằm tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, phía sau núi Cấm.
Đến suối Tà Lọt, du khách nên chuẩn bị trước một ít thức ăn hoặc mang theo bếp để tổ chức tiệc nướng cùng bạn bè. Theo hướng dẫn viên Trần Tuấn Long, điểm này tham quan tự do nhưng du khách cần chú ý dọn dẹp vệ sinh khi đến và khi đi. Xung quanh khu vực suối có các dịch vụ cho thuê lều, phòng thay đồ và dụng cụ cắm trại qua đêm. Vào mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 11, suối có nhiều nước, thích hợp để tắm hoặc chụp ảnh.
"Dòng nước mát và không gian cây xanh ở đây thích hợp để chữa lành", Lê Thảo Nguyên, 23 tuổi sống tại An Giang, đến suối nhiều lần, cho biết.
Thảo Nguyên check in tại suối Tà Lọt. Ảnh: NVCC
Đoạn đường đi vào rừng hẹp, nhiều đất đá, có thể đi bằng xe máy. Du khách nên mang giày dép dễ di chuyển để tránh trơn trượt và mang theo một số dụng cụ y tế cần thiết. Ngoài ra, du khách có thể gửi xe tại các điểm giữ xe dưới chân núi Cấm rồi đi bộ lên.
Nguyên cho biết mùa này thường có mưa to buổi chiều tối ở khu vực suối, du khách cần chuẩn bị sẵn áo mưa. Nếu du khách không thuê lều cắm trại qua đêm nên rời đi trước 18 giờ để dễ di chuyển. Du khách có thể nghỉ qua đêm tại các điểm lưu trú quanh núi Cấm, kết hợp tham quan trong vùng.
Đi thuyền chụp ảnh trong rừng tràm Trà Sư, An Giang
Rừng tràm Trà Sư nằm tại xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên. Trang thông tin của khu du lịch Rừng tràm Trà Sư giới thiệu địa điểm thu hút khách du lịch nhờ vào những khu rừng ngập mặn xanh mướt và đa dạng các loài động vật hoang dã đặc trưng miền sông nước. Mùa nước nổi từ tháng 9 đến tháng 11 là thời điểm đẹp nhất để đến trải nghiệm rừng tràm khi nước đổ vào rừng giúp cây tươi tốt và lớp bèo phủ trên mặt nước cũng xanh hơn.
Giá vé vào cổng là 100.000 đồng một người. Ngoài ra, du khách có nhu cầu đi thuyền vào rừng để chụp ảnh sẽ mua vé giá 50.000 đồng một người. Khách đi theo đoàn sẽ có mức giá khác, có thể liên hệ trước với khu du lịch để đặt vé.
Ngô Thiên Phát, 22 tuổi, đến từ TP HCM, có chuyến đi du lịch một mình tại An Giang hồi tháng 6 và trải nghiệm đi thuyền máy tham quan rừng.
"Khung cảnh thiên nhiên vừa có cây xanh lẫn chim chóc giúp tôi thoải mái tinh thần", Phát nói.
Thiên Phát trải nghiệm đi thuyền trên thảm bèo xanh giữa rừng tràm Trà Sư. Ảnh: NVCC
Xuất phát từ thành phố Châu Đốc, du khách chạy xe máy trên đường QL91 qua cầu Trà Sư. Khi xuống dốc cầu, du khách sẽ chạy vào cổng "Miếu Bà Chúa Xứ Bàu Mướp", tại đây có bảng chỉ dẫn đường vào khu du lịch.
Phát cho biết thêm ngoài thăm quan rừng, du khách có thể check in tại phim trường "Đất rừng Phương Nam" trong khuôn viên khu du lịch.
Đi giữa cánh đồng điện gió ở Bạc Liêu
Cách trung tâm thành phố Bạc Liêu 10 km, nhà máy điện gió Bạc Liêu (hay còn gọi là cánh đồng điện gió Bạc Liêu) tọa lạc tại xã Vĩnh Trạch Đông, tỉnh Bạc Liêu.
Theo Cục du lịch Quốc gia, nhà máy điện gió không chỉ là biểu tượng phát triển năng lượng sạch và bền vững, công trình này còn là điểm thu hút nhiều khách du lịch khi đến Bạc Liêu. Đi giữa cánh đồng điện gió, du khách sẽ có trải nghiệm như đang đi giữa trời châu Âu. Cả cánh đồng có 62 trụ turbine cao 80 m cùng những cánh quạt xoay liên hồi trong gió.
Cối xay gió tại cánh đồng điện gió Bạc Liêu. Ảnh: NVCC
Trần Hồ Lam, 22 tuổi, Vĩnh Long, trải nghiệm tham quan cánh đồng điện gió Bạc Liêu trong chuyến đi du lịch một mình năm 2023. Không gian bạt ngàn của cánh đồng điện gió khiến du khách mê mệt, say sưa chụp ảnh.
Lam gợi ý du khách nên đến từ 6 giờ đến 8 giờ sáng hoặc sau 16 giờ. Trước khi đến, du khách nên trang bị các trang phục che chắn và thoa kem chống nắng. Giá vé tham quan công viên là 30.000 đồng một người.
Bảo Trâm
Đăng thảo luận