Các chương trình giảng dạy AI phải thúc đẩy việc ứng dụng, theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.
Ông Hùng nói điều này khi dự buổi ra mắt khoa Trí tuệ nhân tạo của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), ngày 28/8.
Theo ông, AI đang tiến hóa nhanh và còn nhiều thay đổi. Chương trình đào tạo cần được cập nhật liên tục, theo sát các đại học hàng đầu thế giới.
"AI là mới với tất cả, Việt Nam không phải là nước theo sau, bởi vậy, không có lý do gì để theo sau", ông Hùng nói.
AI có công nghệ, thuật toán và ứng dụng. Trong đó, công nghệ và thuật toán, theo ông Hùng, có tính quốc tế cao, còn ứng dụng mang tính địa phương cao, phải bám vào thực tiễn và văn hóa Việt Nam. Vì vậy, ông Hùng cho rằng chương trình giảng dạy phải chú ý đến phát triển ứng dụng.
"Chương trình giảng dạy AI phải chú trọng thúc đẩy việc ứng dụng, giúp Việt Nam đi đầu về ứng dụng, có đủ nhân lực để đưa ứng dụng AI vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội".
Ông Hùng nhận định công nghệ AI đã có những bước phát triển đột phá nhưng vẫn chưa ai biết ứng dụng nào sẽ là chính, mang tính quyết định về thành công của AI. Hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo phát triển ứng dụng AI là trợ lý ảo. Mỗi đơn vị sẽ có trợ lý ảo của mình, tiến tới mỗi người có một trợ lý ảo.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùngtại buổi ra mắt khoa Trí tuệ nhân tạo, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ngày 28/8. Ảnh: PTIT
Ông Hùng nói khoa Trí tuệ nhân tạo của PTTI là khoa Trí tuệ nhân tạo đầu tiên ở Việt Nam. Để trở nên xuất sắc, học viện phải có triết lý khác biệt và xuất sắc về đào tạo.
"Đào tạo nhân lực AI phải kết hợp đào tạo đại học, cao học, tiến sĩ và đào tạo lại. Các kỹ sư điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin có thể đào tạo lại để thành kỹ sư AI, đáp ứng nhu cầu trong ngắn hạn", ông Hùng chia sẻ.
GS.TS Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, nói mục tiêu của trường là trở thành nơi đào tạo AI số một của cả nước, top 400-450 trường trên thế giới về nghiên cứu AI, giai đoạn 2025-2035.
Về chương trình đào tạo, PGS.TS Phạm Văn Cường, Trưởng khoa Trí tuệ nhân tạo, cho biết có hai mảng chính: Học máy và Trí tuệ nhân tạo ứng dụng, dựa trên chương trình đào tạo của các đại học uy tín trên thế giới như Stanford, Carnegie Mellon (Mỹ).
Sinh viên có một học kỳ thực tập tại doanh nghiệp. Trong quá trình học tập, các em được dẫn dắt bởi các chuyên gia thỉnh giảng đến từ các trường và doanh nghiệp lớn như Stanford, MIT, Deakin, UC David, KAIST, NVIDIA, Intel, Microsoft, Amazon, Meta, VinAI, FPT, Samsung...
Các đại biểu tham gia lễ khai trương biển tên khoa Trí tuệ nhân tạo ngày 28/8. Ảnh: PTIT
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có hai cơ sở đào tạo tại Hà Nội và TP HCM với quy mô khoảng 29.000 sinh viên, chủ yếu về các ngành thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin.
Năm nay, PTIT tuyển 5.200 sinh viên cho 22 ngành và chương trình. Điểm chuẩn vào trường là từ 18 đến 26,4.
Đăng thảo luận