Công chúa Na Uy Martha Louise làm lễ cưới với pháp sư tự xưng người Mỹ Durek Verrett, cuộc hôn nhân không được người dân ủng hộ.
Bà Louise và ông Verrett chiều 31/8 kết hôn tại một khách sạn trên đồi ở Geiranger, ngôi làng nên thơ nằm trên bờ một vịnh hẹp ở bờ biển phía tây Na Uy. Lễ cưới được tổ chức bên trong một chiếc lều trắng, trong đó video, hình ảnh về sự kiện được cặp đôi bán theo hình thức độc quyền.
Tại lễ cưới, Công chúa Louise mặc áo dài trắng truyền thống và đội vương miện do ông nội của bà, Vua Olav, tặng nhân dịp sinh nhật thứ 18. Ông Verrett mặc bộ vest đen và đeo đai lưng làm bằng vàng.
Ngoại trừ Vua Harald và Thái tử Haakon mặc vest tối màu, những thành viên còn lại của hoàng gia đều mặc bunad, trang phục truyền thống của Na Uy được làm từ vải thêu và len.
Các sự kiện chào mừng đám cưới đã diễn ra từ ngày 29/8, bắt đầu bằng buổi tiệc gặp mặt, chào hỏi với sự tham dự của hơn 350 khách mời.
Căn lều nơi tổ chức đám cưới của Công chúa Louise và ông Verrett hôm 31/8. Ảnh: AFP
Đây là lần thứ hai Công chúa Louise, 52 tuổi, kết hôn. Bà tự nhận mình có khả năng thấu thị và nói chuyện được với các thiên thần. Bà đã viết sách và mở khóa học về "năng lực" này.
Ông Verrett, công dân Mỹ 49 tuổi tới từ bang California, tuyên bố mình là "pháp sư thế hệ thứ 6". Trong một cuốn sách của mình, ông viết rằng ung thư là "một lựa chọn". Verrett rao bán những tấm huy chương bằng vàng đắt tiền, quảng cáo rằng chúng có thể cứu mạng con người
Pháp sư cũng cho biết bản thân là pharaoh ở kiếp trước và bà Louise từng là hoàng hậu của ông, nên lễ cưới chỉ là việc nối lại duyên tiền định. Ông Verrett nói một số ngôi sao Hollywood như Gwyneth Paltrow và Antonio Banderas là hai trong số các tín đồ của mình.
"Tôi tin vào tâm linh, nên thật tuyệt khi được ở cùng với người cũng có chung đức tin", Công chúa Louise viết trên Instagram khi cặp đôi thông báo đính hôn vào tháng 6/2022.
Sự "lệch chuẩn" của cặp đôi và việc họ sử dụng mối quan hệ với hoàng gia để kiếm lợi đã gây ra phẫn nộ tại Na Uy. Công chúa Louise tháng 11/2022 tuyên bố từ bỏ nghĩa vụ hoàng gia, song vẫn giữ lại tước hiệu và đồng ý không sử dụng nó vì mục đích thương mại.
Dù vậy, bà đã một số lần vi phạm thỏa thuận, gần nhất là khi cặp đôi tung ra thị trường một loại "rượu cưới" ở Na Uy, trên nhãn sản phẩm có ghi danh xưng công chúa của bà. Việc bà ký hợp đồng với tạp chí Hello! và Neftlix để đưa tin độc quyền về đám cưới cũng khiến truyền thông Na Uy tức giận.
Công chúa Louise và ông Verrett (phải) trên đường đến lễ cưới hôm 31/8. Ảnh: AFP
Mối tình của Công chúa Louise và Verrett được cho là nguyên nhân góp phần khiến mức độ ủng hộ của công chúng dành cho hoàng gia Na Uy, vốn hầu như không phải mắc phải bê bối nào trước đó, sụt giảm. Khảo sát công bố tuần này của đài NRK cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân đã giảm từ 81% trong năm 2017 xuống còn 68%.
Một nguyên nhân khác là việc Marius Borg Hoiby, con trai riêng 27 tuổi của Thái tử phi Mette-Marit, hồi đầu tháng thừa nhận đã đánh đập bạn gái do ảnh hưởng của cocaine và rượu. Hai bạn gái cũ của anh sau đó cũng đưa ra cáo buộc tương tự.
Công chúa Louise nói bản thân là nạn nhân của cuộc "săn phù thủy" (cố tình bới lông tìm vết để bôi nhọ). Tuy thừa nhận đức tin của bản thân có thể khiến một số người không thoải mái, ông Verrett cho rằng mình là nạn nhân của phân biệt chủng tộc.
Trong khi đó, Vua Harald, 82 tuổi, người từng nhiều năm đấu tranh để được phép cưới Hoàng hậu Sonja do bà vốn là thường dân, không chia sẻ nhiều về con rể, chỉ cho rằng đây là "xung đột văn hóa".
Vua Harald từng mô tả ông Verrett là người "tuyệt vời và hài hước". "Chúng tôi chấp nhận rằng hai bên có sự khác biệt về quan điểm với một số vấn đề", Vua Harald nói hồi tháng 11/2022.
Phạm Giang (Theo AFP)
Đăng thảo luận