Thúy Vy khóc hàng đêm vì mẹ ép học trường Dược, nhưng nguyện vọng của em là ngành Ngôn ngữ Anh của trường Đại học Ngoại thương TP HCM.

Từ kỳ thi tốt nghiệp, nữ sinh trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Tây Ninh, đã áp lực vì mẹ luôn nhắc đến chuyện học Dược ở mỗi bữa cơm. Theo Vy, đây là ước mơ của mẹ thời trẻ song không thực hiện được.

"Mẹ bảo học Dược ra bán thuốc cho nhàn, thu nhập ổn định và sẵn sàng đầu tư, còn học ngành khác thì tự lo", nữ sinh kể. Vy nhìn nhận ngành Dược đòi hỏi kiến thức Toán, Hóa nặng trong khi em không giỏi những môn này. Em chọn Ngoại thương vì muốn học tiếng Anh ứng dụng vào kinh tế, mục tiêu làm ở các công ty nước ngoài.

"Mẹ không hứng thú với ngành em thích nên thuyết phục cũng vô ích. Em rất khó chịu", Vy cho biết.

Còn Hoàng Anh, học sinh THPT Phan Văn Trị, Cần Thơ, thường xuyên cãi bố mẹ vì bị ép học Đại học Cần Thơ, trong khi định đăng ký vào ngành An toàn thông tin của trường Đại học Công nghệ thông tin TP HCM. Nam sinh nói đã học lập trình, tìm hiểu lĩnh vực này từ lâu và mơ ước làm về bảo mật ở công ty nước ngoài.

"Ba mẹ em còn chẳng định hướng ngành, cứ bảo vào đấy cho gần nhà rồi ra trường xin việc, nghe rất bực", nam sinh nói. Hoàng Anh đã đổi mật khẩu đăng nhập trên hệ thống xét tuyển đại học để được chọn nguyện vọng theo ý mình.

"Em không muốn thuyết phục thêm vì em cảm thấy không được tin tưởng".

Dù chưa có định hướng cụ thể, Tâm Nguyên, học sinh trường Lý Thường Kiệt, TP HCM, cũng gặp "áp lực vô hình" vì bố mẹ luôn rỉ tai về lợi ích của ngành Sư phạm hoặc Ngôn ngữ Anh.

"Không ngày nào bố hoặc mẹ không nói, nào là học sư phạm vì mẹ có người quen, dễ xin việc hay đi dạy tiếng Anh không vất vả lại thu nhập cao", nữ sinh kể.

Căng thẳng vì bố mẹ 'chọn hộ' đại học  第1张

Thí sinh thi tốt nghiệp tại trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức, tháng 6/2024. Ảnh: Quỳnh Trần

Cũng như Hoàng Anh, Thúy Vy và Tâm Nguyên, nhiều người cho biết khó chịu khi bị bố mẹ áp đặt việc chọn ngành, nghề.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, trường Đại học Công thương TP HCM, nói từng gặp nhiều phụ huynh định hướng cho con theo kiểu bắt ép, không hiếm người yêu cầu con học theo nghề của mình hay bạn bè vì "dễ xin việc".

"Nhiều bạn khó chịu, tự làm theo suy nghĩ của mình nhưng không ít học sinh thụ động, bố mẹ bảo làm gì sẽ làm theo cái đó", ông kể.

Báo cáo Thế hệ trẻ Việt Nam của Hội đồng Anh năm 2020 cho thấy 80% trong số 1.200 người trẻ từ 16-30 tuổi nói gia đình là yếu tố chi phối các quyết định. 40% cảm thấy áp lực khi đi theo con đường học tập và công việc mà gia đình lựa chọn.

"Không nhiều phụ huynh hỏi con về điểm mạnh, năng lực nổi trội và công việc yêu thích, vốn là những yếu tố cho sự thành công bền vững sau này", thạc sĩ Đào Thu Hiền, người sáng lập Tổ chức giáo dục GPA, chuyên gia hướng nghiệp với gần 20 năm kinh nghiệm, nhận định. "Phụ huynh của tôi thường ưu tiên chọn trường uy tín như Ngoại thương, Bách khoa Hà Nội..., sau đó mới chọn ngành. Còn nếu du học, họ hay hướng con theo kinh tế, tài chính và công nghệ".

TS Đặng Hoàng Ngân, chuyên gia tư vấn tâm lý, nói việc cha mẹ muốn chọn trường, ngành cho con xuất phát từ niềm tin, trải nghiệm, lo lắng của bản thân. Có bốn nguyên nhân khiến nhiều phụ huynh làm như vậy.

Thứ nhất, họ đã chuẩn bị kế hoạch tương lai cho con kỹ càng và mong muốn con tận dụng lợi thế để không phải vất vả. Thứ hai, cha mẹ hiểu tương đối sát về tính cách và thế mạnh của con nên nghĩ con có thể làm tốt trong một số lĩnh vực và định hướng theo đó.

Nguyên nhân thứ ba đến từ thái độ và biểu hiện của con cái. Sự mông lung của con khiến cha mẹ tin rằng con khá tùy hứng, không hiểu thực tế, cần quyết định thay. Cuối cùng, nhiều người tiếc nuối về những "giấc mơ riêng" chưa thực hiện được, nên vô thức đặt kỳ vọng này lên con.

Trường hợp chị Như ở Hà Nội cũng thuộc những lý do trên. Kỳ thi tốt nghiệp vừa qua, con gái chị được trên 28 điểm khối C00 (Văn, Sử, Địa). Chị khuyên con vào Sư phạm Văn hoặc Sư phạm tiểu học, nhưng con nhất quyết muốn học Du lịch vì thích được đi đây đó.

"Học sư phạm nếu không thi được công chức vẫn có thể mở lớp dạy học kiếm sống. Phương án này rất ổn định nhưng nói mãi mà con chẳng nghe, thậm chí bỏ ăn uống", chị cho biết.

Người mẹ nói con gái chưa có trải nghiệm với ngành Du lịch nên không hiểu biết nhiều. Chưa kể, nghề này giờ giấc không cố định, thu nhập 10 triệu mỗi tháng thì không đủ sống.

Căng thẳng vì bố mẹ 'chọn hộ' đại học  第2张

Học sinh tham gia buổi tư vấn đăng ký xét tuyển của Đại học Ngoại thương, hôm 20/7. Ảnh: FTU Times

Các chuyên gia cho rằng về khía cạnh tâm lý, sự áp đặt của bố mẹ sẽ gây căng thẳng và xung đột gia đình vì con trẻ sẽ chống đối để giành quyền tự quyết.

"Khi quyền tự quyết bị phớt lờ, con sẽ không muốn mở lòng, hợp tác với cha mẹ, thậm chí rạn nứt tình cảm gia đình", TS Ngân nhận định.

Một trong những rủi ro nữa là chọn sai ngành, theo bà Hiền. "Nó gây lãng phí cơ hội và tiềm năng để con thành công và hạnh phúc trong cuộc sống".

Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM năm 2019 cho thấy khoảng 60% sinh viên chọn sai ngành học, 75% thiếu hiểu biết về ngành, nghề đã chọn.

Qua quan sát, bà Hiền thấy hiện nhiều học sinh tự tìm hiểu và chọn nghề theo sở thích, khác với thế hệ trước là "cha mẹ đặt đâu, con ngồi đó". Do vậy, cha mẹ nên đồng hành cùng con tham gia các hoạt động hướng nghiệp từ nhỏ, cập nhật thông tin về thị trường lao động để có cái nhìn cởi mở về ngành, nghề mà con muốn theo đuổi.

Bà Ngân gợi ý phụ huynh tìm hiểu hướng nghiệp bền vững, hơn là tập trung vào việc thi cử trước mắt. Cha mẹ có thể thông qua kết quả học tập, trò chuyện, quan sát hành vi hay cho con làm trắc nghiệm, tham vấn tâm lý để nắm bắt các ưu điểm, hạn chế, cũng như hứng thú nghề nghiệp của con. Từ đó, phụ huynh khuyến khích con tìm hiểu trường, ngành; hướng dẫn con tự đặt một vài câu hỏi như: Con sẽ thực tập để hiểu về nghề tại đâu; Nơi làm việc con mong đợi như thế nào; Có điều gì con cần cải thiện để thuận lợi làm nghề;...

"Hướng nghiệp bền vững là giúp con hiểu mình, hiểu nghề và xây dựng kế hoạch học tập - nghề nghiệp phù hợp", bà nói.

ThS Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và Tuyển sinh, trường Đại học Mở Hà Nội, cho rằng kể cả trong trường hợp tốt cho con, bố mẹ cũng không nên áp đặt, mà cần chiến lược "mưa dầm thấm lâu".

"Điều quan trọng là tôn trọng lựa chọn của con cái, ngay cả khi khác với kỳ vọng của mình. Điều này giúp các bạn ấy cảm thấy tự tin và được ủng hộ", ông Ngọc Anh nói.

Về phía học sinh, bà Ngân khuyên tự tìm hiểu đa chiều về bản thân, nghề nghiệp và kế hoạch tương lai. "Sự tìm hiểu kỹ càng có thể khiến cha mẹ đồng ý, ủng hộ ngành nghề mình chọn vì điều đó chứng minh khả năng tự chủ và trách nhiệm".

Sau một thời gian suy nghĩ, Thúy Vy và Tâm Nguyên nói sẽ cân nhắc theo lựa chọn gia đình.

"Nói chuyện với một số anh, chị, em thấy đi theo hướng bố mẹ gợi ý cũng không hẳn đã sai. Nếu mình chăm chỉ, lại được hỗ trợ thì thuận lợi hơn một số bạn khác", Nguyên lý giải.

Còn Hoàng Anh đang thực tập online tại một công ty phần mềm Ấn Độ. "Em sẽ lên Sài Gòn sớm để làm việc, vừa có kinh nghiệm vừa có thu nhập để phòng bố mẹ không chu cấp", nam sinh cho hay.

Chị Như cuối cùng cũng để con tự đăng ký nguyện vọng đại học.

"Tôi lập giao kèo rằng nếu mai sau vất vả thì phải tự chịu. Dù vậy, tôi mong con có thể theo ngành đã chọn", chị nói.

Doãn Hùng - Dương Tâm

*Tên nhân vật đã thay đổi