Dự án hồi sinh game Flappy Bird được cho là để lừa đảo tiền số, trong khi nhà phát triển Nguyễn Hà Đông cũng phủ nhận liên quan.
Tuần trước, tài khoản X có tên Flappy Bird đăng thông báo rằng game đình đám một thời này sắp được hồi sinh. "Tôi đã trở lại. Nhờ những người hâm mộ cuồng nhiệt Flappy Bird, tôi đã được làm mới, tiếp thêm sinh lực và sẵn sàng bay cao", trang này viết. Tài khoản cũng khẳng định đã mua lại các quyền hợp pháp và làm việc với người tiền nhiệm để tái tạo trò chơi một cách chính thức.
Một phần giao diện website của dự án. Ảnh chụp màn hình
Flappy Bird là game di động nổi tiếng 10 năm trước, do Nguyễn Hà Đông của Việt Nam phát triển. Ở giai đoạn gây sốt, game thu hút hàng triệu người trên thế giới, mang về cho anh 50.000 USD mỗi ngày. Tuy nhiên sau khoảng hai tuần, Hà Đông gỡ bỏ game khỏi các nền tảng vì cho rằng nó "phá hỏng cuộc sống giản dị" của mình. Quyết định gây sốc cho nhiều người. Thậm chí, những điện thoại được cài sẵn game được rao bán với giá cao hơn nhiều lần.
Sau khi Flappy Bird bị gỡ, nhiều game ăn theo cũng xuất hiện nhưng đều không thành công. Khi thông tin hồi sinh game này xuất hiện, nhiều người kỳ vọng sản phẩm có thể mang lại cảm giác chơi như phiên bản gốc.
Nhóm đứng sau việc "hồi sinh" tự nhận là Flappy Bird Foundation Group, khẳng định đã mua lại bản quyền trò chơi từ Gametech - đơn vị sở hữu nhãn hiệu này từ năm 2023, sau khi nhà phát triển Nguyễn Hà Đông không tiếp tục gia hạn. Trò chơi dự kiến ra mắt trở lại cuối tháng 10 trên trình duyệt web, trước khi đưa lên iOS và Android năm 2025. Website dự án cũng hé lộ game có thể mở rộng thêm tính năng, bổ sung chế độ chơi thách đấu với 99 người khác, thêm nhân vật mới.
Tuy nhiên, vài ngày sau khi công bố, dự án hồi sinh Flappy Bird được phát hiện có nhiều vấn đề liên quan đến tiền số và bị nghi là dự án lừa đảo.
Ngày 12/9, nhà nghiên cứu bảo mật Varun Biniwale nhận thấy nhiều nhánh con của website dự án đề cập đến việc kiếm tiền số. "Huyền thoại Flappy Bird đã trở lại và sẽ bay cao hơn bao giờ hết trên Solana khi vươn tới Web 3.0", trang này viết. Ngoài ra, một nhánh khác đề cập token có tên FLAP, chạy trên blockchain TON với lời giới thiệu là dự án "flap-to-earn" (vỗ cánh để kiếm tiền). Các trang này hiện đã bị gỡ bỏ.
Một trang web chưa được công khai của dự án, có nhắc đến Web3. Ảnh: Varun Biniwale
Biniwale đặt nghi vấn liệu đây có phải là kế hoạch lừa đảo hay không. Ông sau đó cũng nhắn đến Michael Roberts của công ty 1208 Production, người tự nhận trên LinkedIn "là người tiên phong cho sự trở lại của Flappy Bird", nhưng chưa nhận được câu trả lời.
Trong khi đó, sau 7 năm không đăng bài trên tài khoản X, ngày 16/9, Nguyễn Hà Đông cũng lên tiếng khẳng định không liên quan đến trò chơi. "Tôi không bán bất cứ thứ gì. Tôi cũng không ủng hộ tiền số", Đông viết.
Flappy Bird Foundation Group hiện chưa đưa ra bình luận về thông tin này. Trên X, các bài viết của tài khoản Flappy Bird bị người dùng cáo buộc "lợi dụng nỗi nhớ của người hâm mộ về trò chơi để bán NFT".
Lưu Quý
Đăng thảo luận
2024-10-24 12:26:10 · 来自210.37.131.57回复