YênBái - Đại lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trôi qua gần một tháng, song dư âm của sự kiện vẫn còn đọng mãi trong mỗi người dân đất Việt. Thời điểm ấy, hình ảnh các cô giáo ở một lớp mầm non của huyện Mù Cang Chải tổ chức cho trẻ xem truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm gây ấn tượng mạnh trong cộng đồng. Có vài ý kiến cho rằng mức độ tiếp thu lịch sử hay niềm tự hào dân tộc của trẻ còn hạn chế. Song, đại bộ phận lại khẳng định lịch sử phải được dạy từ sớm, phải được dạy từ thuở còn thơ cùng với dạy lễ nghĩa và cách sống.

Dạy sử từ tuổi còn thơ  第1张 Các bé lớp mẫu giáo 5 tuổi ở xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải được các cô giáo tổ chức cho xem truyền hình trực tiếp Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ sáng ngày 7/5/2024 vừa qua.

Đúng vậy! Việc dạy và học lịch sử luôn là vấn đề có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp giáo dục, đào tạo của mỗi quốc gia, cũng như trong xây dựng, bồi dưỡng nhân cách của mỗi cá nhân. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay khi mặt trái nền kinh tế thị trường cùng những tác động của lối sống thực dụng, ham hưởng thụ đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến thế hệ trẻ thì việc giáo dục lịch sử càng trở nên quan trọng và càng cần được thực hiện ngay từ lứa tuổi nhỏ. 
Trong những năm qua, việc đưa môn Lịch sử vào giảng dạy lồng ghép trong các hoạt động giáo dục từ bậc mầm non tại Yên Bái đã diễn ra hết sức sôi nổi, với nhiều hình thức phong phú, tạo được hiệu quả của việc giáo dục lịch sử từ sớm. Những tiết học Lịch sử sáng tạo bằng hình ảnh, âm thanh cuốn hút được giáo viên tích cực xây dựng. Nhiều trường học tổ chức các tiết dạy Lịch sử, các hoạt động ngoại khóa ngay tại các địa chỉ đỏ của địa phương. Bảo tàng tỉnh đã trở thành một điểm đến quen thuộc, hấp dẫn đối với học sinh Yên Bái. Những trường học ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn không có điều kiện tổ chức cho các em tham quan trực tiếp được thầy cô phối hợp cùng cán bộ Bảo tàng tổ chức các lớp học trực tuyến, lớp học kết nối để mỗi bài học lịch sử đến gần hơn với các em. 
Trong số đó, không ít các đơn vị là trường mầm non, đối tượng trẻ 2 - 5 tuổi với nhiều người là còn quá nhỏ để có thể tiếp cận với kiến thức lịch sử rộng lớn, uyên thâm… song những người làm giáo dục Yên Bái cho rằng với mỗi đối tượng học trò sẽ xây dựng cách tiếp cận bài học lịch sử khác nhau, mức độ của sự kiện khác nhau. 
Những nhà giáo dục đều khẳng định, việc dạy Lịch sử từ sớm cũng giúp trẻ hình thành tư duy phản biện, khả năng so sánh, phân tích và đưa ra những đánh giá khách quan về các vấn đề lịch sử. Từ đó, dần hình thành được cách liên hệ lịch sử với hiện tại, hiểu được nguyên nhân và hệ quả của các sự kiện lịch sử. Điều này không chỉ giúp bồi đắp niềm tự hào dân tộc, mà còn rèn luyện khả năng phân tích, tư duy phản biện và tầm nhìn toàn cảnh. Hơn nữa, khi được tiếp xúc với lịch sử từ nhỏ, trẻ em sẽ hứng thú và tích cực tham gia vào các hoạt động liên quan. Các em sẽ trở nên tò mò, ham học hỏi và chủ động tìm hiểu về quá khứ. 
Đây chính là nền móng để phát triển những phẩm chất như sự say mê tri thức, tính kiên nhẫn, kỹ năng nghiên cứu - những yếu tố vô cùng quan trọng trong học tập và công việc sau này. Bởi Lịch sử không chỉ là một môn học mà còn là một cách để trẻ hiểu được nguồn gốc, bối cảnh và sự phát triển của thế giới, xã hội xung quanh.
Lấy ví dụ như việc dạy cho trẻ về các vị vua, anh hùng dân tộc, hay những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, không chỉ giúp các em hiểu về quá khứ mà còn nâng cao tình yêu, lòng tự hào dân tộc. Từ đó, các em có thể liên hệ lịch sử với hiện tại và tìm ra những bài học kinh nghiệm để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn. Các phương tiện truyền thông hiện nay cũng đã rất chú ý đến việc giáo dục lịch sử cha ông  với những hình thức giúp người xem, trong đó có trẻ em có thể ghi nhớ một cách dễ dàng nhất. Chương trình hoạt hình lịch sử "Khát vọng non sông" phát hàng ngày trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam tái hiện những sự kiện, nhân vật lịch sử của nước nhà hàng ngàn năm là một ví dụ.
Tuy nhiên, việc dạy Lịch sử cho lứa tuổi mầm non và tiểu học cũng cần lưu ý đến những đặc điểm tâm lý và nhận thức của trẻ. Các thông tin lịch sử cần được trình bày dưới dạng câu chuyện, hình ảnh, hoặc các hoạt động trực quan, gần gũi với cuộc sống hàng ngày của các em. Tránh những chi tiết quá phức tạp, khô cứng hay gây ấn tượng tiêu cực. Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần linh hoạt điều chỉnh nội dung và phương pháp giảng dạy phù hợp với từng lứa tuổi. Với trẻ mầm non, có thể tập trung vào những chuyện kể về anh hùng dân tộc, những sự kiện lịch sử nổi bật. Còn với học sinh tiểu học, các em có thể được tham gia vào các trò chơi, sinh hoạt trải nghiệm liên quan đến lịch sử. 
Có thể khẳng định rằng, lợi ích việc nên dạy Lịch sử sớm cho trẻ em sẽ hình thành nền tảng kiến thức về quá khứ; rèn luyện tư duy phản biện và phân tích; tăng cường niềm tự hào dân tộc, kích thích tính tò mò, say mê tri thức; tạo cơ sở cho học tập và làm việc sau này. Ngoài ra, học lịch sử sớm còn có thể giúp trẻ em phát triển các kỹ năng giao tiếp và thuyết trình; làm việc nhóm; giải quyết vấn đề; sáng tạo. Đây là những kỹ năng vô cùng cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ em. Không ngẫu nhiên, từ năm 2025, Lịch sử là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, theo quy định của Bộ Giáo dục- Đào tạo. Việc học sử sớm, ở khía cạnh này cũng giúp học sinh sau này có kiến thức vững vàng ở môn Lịch sử, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học Lịch sử trong nhà trường.    
Cùng với đó, việc học lịch sử là một nền tảng quan trọng để hình thành và rèn luyện các phẩm chất đạo đức cho thế hệ trẻ. Trong quá trình học lịch sử, trẻ em không chỉ tiếp thu được các kiến thức về các sự kiện, nhân vật và xu hướng lịch sử, mà còn có thể học được rất nhiều giá trị đạo đức quý giá đó là trách nhiệm và lòng yêu nước, sự khoan dung và nhân ái, tinh thần dũng cảm và kiên cường, tính công bằng và tôn trọng quyền con người, sự cảm thông và thấu hiểu. 
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Lời dạy của Bác vẫn còn nguyên giá trị cho tới hôm nay. Việc dạy lịch sử cho trẻ em từ khi còn nhỏ là một phương pháp giáo dục hết sức hiệu quả, không chỉ giúp các em tích lũy kiến thức, mà còn hình thành nhân cách, lối sống và tầm nhìn toàn cầu. Đây chính là những yếu tố then chốt để chuẩn bị cho thế hệ tương lai.
Thanh Ba

Tags Giáo dục lịch sử trẻ em