Trường học cấm điện thoại, một số học sinh phản đối, nhưng một số học sinh khác lại ủng hộ vì điện thoại di động đang bị sử dụng sai mục đích ở môi trường giáo dục

Học sinh đem điện thoại lên trường chỉ quay TikTok, cãi vã trên mạng?  第1张

Theo quy định của Bộ GDĐT, học sinh có thể dùng điện thoại trong các tiết để phục vụ việc học tập, nếu được giáo viên cho phép. Ảnh minh họa: THPT Nguyễn Du.

Hai trường ở TP.HCM là trường THPT Trường Chinh và THPT Thạnh Lộc (quận 12) quyết định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường, kể cả giờ ra chơi.

Quy định được trường THPT Thạnh Lộc áp dụng từ tháng 9, trường còn lại đã áp dụng từ năm ngoái. Các em chỉ được dùng điện thoại cá nhân trong những tiết học được giáo viên yêu cầu hoặc vào giờ ăn trưa, lúc tan học.

Khi thông tin này được chia sẻ, nhiều người ủng hộ cấm để giúp học sinh tập trung vào việc học, tăng cường sự kết nối với thầy cô, bè bạn. Trong khi đó, cũng không ít ý kiến phản đối, cho rằng điều này đi ngược lại xu thế chuyển đổi số trong giáo dục.

Người ủng hộ

Trao đổi với Tri Thức - Znews, Lê Huy (học sinh tại Hà Nam) bày tỏ sự ủng hộ với quy định này. Huy cho biết trường em cũng có quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong giờ học và khuyến khích hạn chế sử dụng trong giờ ra chơi.

Nam sinh cho rằng đây là cách hay để học sinh “cách ly" với điện thoại và tham gia nhiều hoạt động tập thể hơn cũng như hạn chế các vấn đề tiêu cực.

Theo đó, thay vì “dán mắt" vào điện thoại mỗi giờ giải lao, học sinh trường Huy thường tham gia đánh bóng chuyền, chơi cờ vua…

Về các vấn đề tiêu cực, Huy cho biết không ít vụ việc học sinh đánh lộn, xích mích xuất phát từ các mâu thuẫn trên mạng xã hội. Điện thoại cũng là công cụ nhiều học sinh liên lạc với người ngoài trường để tham gia vào mâu thuẫn, khiến vụ việc đẩy lên cao hơn.

“Mình thấy không ít bạn ở trường tranh cãi, ‘đấu tố' nhau trên mạng xã hội. Cũng may là được giải quyết sớm, nếu không rất dễ ẩu đả", Huy nhớ lại các vụ việc tại trường mình.


Học sinh đem điện thoại lên trường chỉ quay TikTok, cãi vã trên mạng?  第2张

2 trường ở TP.HCM cấm học sinh sử dụng điện thoại khi ở trường. Ảnh: Adobe Stock.

Ngoài ra, theo nam sinh, việc học sinh mang điện thoại đến trường cũng khiến nhiều bạn chểnh mảng học hành, thậm chí lén sử dụng cả trong giờ học.

Vì vậy, Huy ủng hộ quan điểm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường. Học sinh vẫn có thể mang đến trường, nhưng sẽ giao lại cho giáo viên vào đầu giờ học và chỉ sử dụng khi cấp bách và được phép. Trong các tiết tự học, thầy cô có thể giao lại điện thoại cho học sinh để thuận tiện tra cứu, phục vụ duy nhất cho việc học.

“Tuy nhiên, mình nghĩ quan trọng nhất vẫn là ý thức của các bạn. Nếu nhà trường cấm nhưng các bạn vẫn tìm cách lách luật, quy định này sẽ vô tác dụng", Huy chia sẻ.

Trong khi đó, Bảo Hân, học sinh tại một trường THPT ở quận 5 (TP.HCM), không phản đối nhưng cũng không quá ủng hộ nếu nhà trường cấm điện thoại 100% vì lo ngại bất tiện.

Nữ sinh lấy ví dụ học sinh vẫn cần phương tiện để liên lạc với gia đình khi cần thiết nên chỉ mong nếu nhà trường thực sự áp dụng, chỉ nên cấm học sinh sử dụng trong giờ học.

Bảo Hân cho biết trường em vốn vẫn không cho phép học sinh dùng điện thoại trong giờ học, ngoại trừ những lúc được giáo viên cho phép để tra cứu kiến thức mở rộng trên các trang mạng. Còn vào giờ nghỉ giải lao, học sinh vẫn được phép sử dụng.

“Em vẫn mong học sinh được dùng điện thoại trong giờ ra chơi vì nếu cấm nguyên buổi học thì sẽ chán lắm. Bọn em vẫn muốn lướt mạng để đọc tin tức trong giờ giải lao”, nữ sinh nói với Tri Thức - Znews.

Người lại phản đối

Trong khi đó, không đồng tình với quan điểm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học, Hoàng Hiếu (học sinh lớp 10 tại TP.HCM) cho rằng việc này “không cần thiết".

Nam sinh nhận định hiện các trường cấm học sinh sử dụng điện thoại để tăng tương tác, giao lưu với bạn bè. Tuy nhiên, học sinh dùng điện thoại hoàn toàn có thể làm việc này, thậm chí, các em có thể giao lưu với nhiều người hơn thông qua mạng xã hội, “nhất là những bạn nhút nhát, ngại làm quen trực tiếp”.

Học sinh đem điện thoại lên trường chỉ quay TikTok, cãi vã trên mạng?  第3张

Một số trường cho phép học sinh dùng điện thoại với mục đích học tập. Ảnh: H.N.

Tương tự, T.H., học sinh tại một trường THPT ở quận 3 (TP.HCM), cũng không đồng tình với quy định cấm điện thoại và cho rằng điều đó đang làm mất đi tự do của học sinh.

H. cho rằng việc sử dụng điện thoại ở trường học vẫn có những lợi ích nhất định như cho phép học sinh tra cứu bài khi cần thiết, liên lạc với gia đình trong trường hợp khẩn cấp hoặc ghi lại những khoảnh khắc đẹp của thời học sinh.

Nữ sinh cho biết kể từ khi mạng xã hội phát triển, học sinh có thói quen chụp ảnh, quay clip để ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ trong mỗi buổi học. Trước khi tốt nghiệp, các lớp có thể tổng hợp các khoảnh khắc đó để xem cùng nhau. Do đó, nếu tất cả trường học ở TP.HCM đều cấm điện thoại, học sinh sẽ mất đi cơ hội ghi lại những khoảnh khắc đáng nhớ.

Khi được hỏi về việc học sinh dùng điện thoại để quay TikTok khi ở trường, cả Bảo Hân và T.H. đều nói rằng thực ra việc quay TikTok không xấu vì hầu hết học sinh chỉ làm điều này trong giờ ra chơi. Hơn nữa, các em cũng chỉ “bắt trend” vui vẻ, phù hợp với lứa tuổi chứ không quay những clip phản cảm.

“Em thấy nhiều giáo viên cũng quay TikTok, thậm chí quay trong giờ học nhưng lại nhận được nhiều lời khen. Nếu các trường cấm học sinh dùng điện thoại vì lo ngại việc quay TikTok, em nghĩ trường nên cấm luôn giáo viên cho công bằng”, H. nêu quan điểm.

Còn về việc bắt nạt trên mạng, T.H. nói rằng nếu muốn ngăn chặn tình trạng bắt nạt hoặc “đấu tố” trên mạng xã hội, nhà trường nên tiếp cận từ những phương pháp khác thực tiễn hơn thay vì chỉ cấm học sinh sử dụng điện thoại ở trường.

Bảo Hân cũng đưa ra quan điểm tương tự. Em cho rằng việc cấm điện thoại ở trường sẽ không thể ngăn học sinh bắt nạt nên mạng xã hội. Bởi vì ngoài giờ học ở trường, học sinh vẫn còn nửa ngày ở nhà nên việc dùng điện thoại để lên mạng vẫn có thể xảy ra. Hơn nữa, nữ sinh tin rằng việc bắt nạt trên mạng còn liên quan ý thức của từng học sinh chứ không thể đổ lỗi hoàn toàn cho việc dùng điện thoại.

Hoàng Hiếu cũng cho rằng bạo lực mạng trong học đường là vấn đề nan giải, nhưng chỉ là thiểu số. Việc sử dụng điện thoại vẫn còn rất nhiều mặt tích cực. Thay vì “cái gì không xử lý được là cấm", nhà trường, học sinh nên tìm cách hạn chế các mặt tiêu cực.

Tham khảo thêm

Sau bão số 3, 10 triệu bản sách giáo khoa được in bổ sung, chi phí in khoảng 30 tỷ đồng

Học sinh đem điện thoại lên trường chỉ quay TikTok, cãi vã trên mạng?  第4张

Các trường học của Hà Nội khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3: Giữ an toàn cho học sinh

Học sinh đem điện thoại lên trường chỉ quay TikTok, cãi vã trên mạng?  第5张

Các mức hỗ trợ của trường đại học với sinh viên 26 tỉnh thành bị ảnh hưởng do cơn bão số 3

Học sinh đem điện thoại lên trường chỉ quay TikTok, cãi vã trên mạng?  第6张