Chiếc bình gốm 3.500 tuổi quý hiếm, còn nguyên vẹn từ lúc khai quật, bị một cậu bé 5 tuổi làm vỡ tan tành. Bảo tàng đã không bắt cậu bé chịu trách nhiệm vì chỉ là lỗi vô tình.

Làm vỡ bình gốm 3.500 tuổi quý hiếm ở bảo tàng, cậu bé 5 không phải đền bù  第1张

Chiếc bình gốm 3.500 tuổi tại Bảo tàng Hecht ở Israel bị vỡ tan tành - Ảnh: BẢO TÀNG HECHT

Theo trang Ynetnews, một cậu bé 5 tuổi trong lúc đang tham quan Bảo tàng Hecht (thành phố Haifa, Israel) đã vô tình làm vỡ một bình gốm 3.500 tuổi đã được trưng bày 35 năm.

Chiếc bình có niên đại từ thời Đồ đồng vào khoảng giữa năm 2200 và 1500 trước Công nguyên, và là một hiện vật rất hiếm khi vẫn còn trong trạng thái nguyên vẹn lúc khai quật.

Tiến sĩ Inbal Rivlin - giám đốc Bảo tàng Hecht - cho biết bảo tàng đã lựa chọn trưng bày chiếc bình cổ mà không cần lớp kính bảo vệ, với niềm tin rằng bảo tàng phải là một nơi thật sống động.

TIN LIÊN QUAN
  • Làm vỡ bình gốm 3.500 tuổi quý hiếm ở bảo tàng, cậu bé 5 không phải đền bù  第2张

    Campuchia tiếp nhận 70 cổ vật quý trao trả lại từ Mỹ

  • Làm vỡ bình gốm 3.500 tuổi quý hiếm ở bảo tàng, cậu bé 5 không phải đền bù  第3张

    Cổ vật ba miền quy tụ tại điện Kiến Trung

  • Làm vỡ bình gốm 3.500 tuổi quý hiếm ở bảo tàng, cậu bé 5 không phải đền bù  第4张

    Mỹ trả cho Ý khoảng 600 cổ vật bị đánh cắp trị giá 65 triệu USD

Bà Rivlin kêu gọi cậu bé làm vỡ chiếc bình cùng mẹ của em hãy quay lại bảo tàng cho một chuyến tham quan khác.

"Hai mẹ con lúc đó vô cùng sợ hãi. Người mẹ đã nhanh chóng nắm lấy cậu bé và rời đi nhanh khỏi bảo tàng", bà Rivlin kể.

"Tôi muốn liên lạc với họ và nói họ đừng lo lắng, chúng tôi không làm gì đến họ cả. Những sự cố như thế này thường rất hiếm, nhưng không phải là không xảy ra", bà Rivlin nói thêm.

Theo tiến sĩ Rivlin, chiếc bình sẽ được phục chế và đặt lại chỗ cũ.

Trả lời Đài BBC, ông Alex, cha của cậu bé trong câu chuyện trên, cho biết con trai ông đã "kéo nhẹ chiếc bình" vì tò mò bên trong có gì, dẫn đến chiếc bình bị đổ xuống và vỡ.

Nhân viên Lihi Laszlo của Bảo tàng Hecht nói những trường hợp cố ý làm hư hỏng đồ vật trưng bày thường sẽ được xử lý rất nghiêm khắc, có cả sự vào cuộc của cảnh sát, nhưng trường hợp này được xử lý khác.

Ông Alex chia sẻ gia đình ông cảm thấy "nhẹ nhõm" vì chiếc bình sẽ được phục chế, đồng thời cũng gửi lời xin lỗi vì món đồ cổ này "không còn được như ban đầu".

Bảo tàng Hecht cũng cho biết họ vẫn sẽ trưng bày một số vật phẩm mà không cần lớp kính bảo vệ sau "sự cố hiếm hoi" này.

Chiếc bình cổ có từ trước thời vua David và Solomon, hai nhân vật được nhắc đến trong Kinh Thánh.

Chiếc bình cũng có tính chất đặc trưng của vùng Canaan ở bờ biển đông Địa Trung Hải và được dùng để đựng rượu hoặc dầu ô liu.