Đi mua gói xôi, ổ bánh mì thậm chí mua hàng tạp hóa giá dưới 10 nghìn đồng họ cũng xin pass wifi để quét mã QR.

"Tôi thấy đa số Gen Z bây giờ ra đường không có nổi 50 nghìn đồng tiền mặt trong túi. Đi mua gói xôi, ổ bánh mì 10-15 nghìn đồng cũng đều yêu cầu quét mã.

Riêng cá nhân tôi cũng không cần trữ tiền mặt nhiều, nhưng cũng ít nhất có từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng dằn túi để gặp trường hợp cấp bách như : đổ xăng hay mua đồ ăn sáng, đề phòng trường hợp app ngân hàng bị trục trặc chẳng hạn".

Độc giả nickname Anna bình luận như trên, chia sẻ về việc nhiều người, nhất là các bạn trẻ hiện nay đang quá lạm dụng trả tiền qua mã QR. Ở một số trường hợp, điều này có thể gây phiền toái cho người bán và người xung quanh.

Bình luận này được chia sẻ sau bài viết Hai cô gái quét mã QR 'cồng kềnh' tại cây xăng. Tác giả bài viết trước kể câu chuyện nhiều người đổ xăng, trong đó có bản thân, phải chờ đợi hai cô gái loay hoay quét mã QR. Đồng thời, cho rằng những lúc cao điểm, việc thanh toán mã QR lại không nhanh chóng như chúng ta tưởng.

Bài viết nhận được nhiều thảo luận của độc giả VnExpress. "Nếu thế này thì còn làm khổ nhau dài dài. Phải uyển chuyển, linh động để biết khi nào có thể quét, khi nào nên trả bằng tiền mặt chứ. Làm gì thì làm, đừng làm phiền đến người khác. Nếu tôi không đem tiền mặt đổ xăng, tôi sẽ quay xuống đứng sau cùng. Khi nào 100% đều quẹt cả thì tính sau", độc giả Ánh Dương nói.

Là một người bán hàng tạp hóa, độc giả khoatran1990q7 chia sẻ:

"Nhà tôi bán cửa hàng tạp hóa, gặp vài trường hợp người mua hàng giá trị 3-5-7 nghìn đồng cũng yêu cầu chuyển khoản, sau đó họ xin luôn pass wifi vì không xài 4G, rất mất thời gian và phiền phức.

Bản thân tôi cũng dùng chuyển khoản, nhưng ra đường luôn có 200-500 nghìn đồng tiền mặt để đỡ tốn thời gian của mình và cả người bán hàng, tránh làm phiền khách sau. Các bạn đi đường xe hư, hết xăng, mua đồ ăn thức uống ở chỗ không nhận chuyển khoản thì phải làm sao?".

Trong khi đó, độc giả Móc Meo lại nghĩ khác:

"Tôi lúc nào cũng mang ít tiền mặt trong người phòng lúc cần kíp, nhưng tôi không phản đối hai cô gái trong bài. Chỗ bán hàng người ta cho quét QR để thanh toán thì người mua hàng họ làm thôi. Cái dở là đơn vị bán hàng chưa sắp xếp hợp lý để tránh phiền hà khách hàng khác, chứ không phải tại hai cô gái".

"Tôi không đồng tình, vì đa số thời gian chờ mà tác giả kể lại là cách hành động khác, không liên quan với việc quét mã QR. Ví dụ đủng đỉnh cất điện thoại vào balo, hay đi lấy máy POS.

Vì nếu trả tiền mặt, hai cô gái này cũng có thể đủng đỉnh lấy ví từ balo, xong trả tiền, đếm, xem tiền giả hay rách, rồi phụ tiền thừa, rồi cũng đủng đỉnh cất ví vào balo là cũng từng đấy thời gian", độc giả Anh Tran nói.

>> Quan điểm của bạn về ưu nhược điểm của thanh toán qua mã QR thế nào? Chia sẻ bài viếttại đây.

Hữu Nghị tổng hợp