Điều này đã trở thành rào cản lớn đối với việc phục hồi ngành năng lượng nguyên tử vốn từng đóng góp đến 25% sản lượng điện của quốc gia này trước thảm họa Fukushima.
Nhật Bản đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động có kỹ năng trong ngành hạt nhân. Ảnh: The Japan TimesSau thảm họa lịch sử trên, dư luận Nhật Bản đã ủng hộ việc giảm năng lượng hạt nhân khiến các lò phản ứng trên toàn quốc phải đóng cửa. Quá trình tái khởi động những lò phản ứng này diễn ra chậm chạp, với hơn 60% thiết bị hạt nhân vẫn đang không hoạt động. Mọi thứ ngày càng trở nên khó khăn khi các nhà máy thiếu lao động lành nghề. Chẳng hạn, nhà máy Onagawa hiện có hơn một phần ba kỹ thuật viên chưa từng vận hành lò phản ứng thực tế và chỉ được đào tạo trên thiết bị mô phỏng.
Theo Asahi Shimbun, việc từ 33% đến 58% nhân viên tại các nhà máy hạt nhân của Nhật Bản không có kinh nghiệm thực tế đã làm dấy lên những hoài nghi về khả năng ứng biến với các tình huống cấp bách. Theo hiệp hội các nhà sản xuất điện Nhật Bản, số lượng nhân viên làm việc trong ngành điện hạt nhân đã giảm hơn 20% từ năm 2010 đến năm 2023.
Trong bối cảnh năng lượng hạt nhân đang ngày càng được ưa chuộng trên toàn cầu nhờ vào khả năng cung cấp nguồn điện ổn định cũng như không phát thải carbon, Nhật Bản lại đang gặp khó khăn trong việc đào tạo lao động trẻ làm việc trong lĩnh vực này.
Theo báo cáo của Ủy ban Năng lượng Nguyên tử Nhật Bản, số lượng sinh viên chuyên ngành kỹ thuật hạt nhân đã giảm liên tục từ năm 1993 và có thể tiếp tục giảm do già hóa dân số.
Trước thảm họa Fukushima, các sự kiện như hội chợ việc làm JAIF từng thu hút gần 2.000 sinh viên. Nhưng sau năm 2011, con số này giảm mạnh xuống chỉ còn 300-400 sinh viên mỗi năm.
Ông Mark Nelson, Giám đốc điều hành Tập đoàn Radiant Energy, cho biết: “Sau năm 2011, sinh viên đã không còn hứng thú với chương trình đào tạo hạt nhân, và các nhà đầu tư cũng tìm kiếm cơ hội ở lĩnh vực khác.”
Nelson cảnh báo việc Nhật Bản không nhanh chóng vực dậy ngành năng lượng hạt nhân có thể ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ nhân tạo và làm suy yếu khả năng cạnh tranh với các cường quốc khác trên thế giới.
Nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân sự, Tohoku Electric Power, đơn vị vận hành nhà máy Onagawa, đã phát triển nhiều chương trình đào tạo cho các kỹ thuật viên trẻ. Ngoài việc hỗ trợ huấn luyện trên thiết bị mô phỏng, công ty này còn gửi nhân viên đi học tại các nhà máy điện nhiệt và phân công các kỹ sư có kinh nghiệm hỗ trợ trực tiếp tại nhà máy. Tuy nhiên, công ty thừa nhận kinh nghiệm thực tế vẫn là yếu tố quan trọng để ứng phó với sự cố hạt nhân bất ngờ và đảm bảo an toàn trong quá trình vận hành.
Bên cạnh đó, Toshiba Energy Systems and Solutions – đơn vị tham gia xây dựng lò phản ứng tại Onagawa – đã gửi những kỹ sư mới được tuyển dụng đến nhà máy để học hỏi kinh nghiệm thực tiễn. Ông Yuki Komukai, Giám đốc bộ phận hệ thống điện của Toshiba, chia sẻ: “Tiếp thu kỹ năng tại phòng thí nghiệm rất khác với việc học trên lý thuyết. Chúng tôi tin rằng những người trẻ cần có kinh nghiệm thực tế để sẵn sàng đảm nhận vai trò quan trọng trong tương lai.”
Đăng thảo luận