Sự dịch chuyển của lao động nhập cư, nhất là lao động giản đơn, về các tỉnh thành là cơ hội để TP.HCM thu hút các ngành công nghiệp, kỹ nghệ cao. Nhưng tận dụng được cơ hội hay không là do sự chuẩn bị ngay từ bây giờ.

Phải có chiến lược chuyển dịch ngành nghề  第1张

Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TP.HCM (quận 3) đang được hoàn thiện để chuẩn bị đưa vào hoạt động - Ảnh: VŨ THỦY

TS Phạm Văn Đại - giảng viên chính sách công Trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam - nhận định như vậy.

Đúng xu thế bài toán hiệu quả của đô thị

* Ông nhìn nhận như thế nào trước việc người nhập cư vào TP.HCM giảm mạnh?

- TP.HCM hiện có trên 10 triệu dân, so với các đô thị ở Đông Nam Á và châu Á, quy mô này lớn. Kinh nghiệm từ các đô thị khác cho thấy tầm dân số đó đã đến ngưỡng, rất khó để bùng nổ dân số thêm nữa.

Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, tỉ lệ tăng dân số cơ học của TP.HCM đã giảm so với thời kỳ trước. Vấn đề này chỉ được thật sự chú ý nhiều hơn sau dịch. Cùng với đó việc suy giảm đơn hàng, kinh tế suy thoái, cạnh trạnh mạnh mẽ từ các địa phương khiến TP không còn hấp dẫn để thu hút các ngành nghề giản đơn, năng suất thấp.

* Như vậy đây cũng là một xu hướng tất yếu, thưa ông?

- Đây là bài toán về hiệu quả của một đô thị, ít dân quá hoặc đông dân quá đều không có hiệu quả. Kinh nghiệm cho thấy dân số dưới 10 triệu là ngưỡng quy mô tối ưu của một đô thị. Nếu vượt qua con số này, đô thị phải nâng cấp lên rất nhiều về hạ tầng.

Một đô thị dân số đông quá khiến các chi phí sản xuất, sinh hoạt... cũng tăng cao, đô thị không còn năng lực cạnh tranh trong việc thu hút lao động giản đơn và các ngành kinh tế giản đơn.

Ví dụ quy mô của Tokyo (Nhật), Thượng Hải (Trung Quốc), do trình độ và hạ tầng phát triển cao hơn nên có dân số lớn hơn, trong khi Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur, TP.HCM... hạ tầng kém hơn nên dân số 10 triệu quá ngưỡng rồi.

Tất nhiên TP.HCM cần nhìn nhận cơ hội và động lực lớn hơn khi các ngành giản đơn chuyển ra khỏi thành phố sẽ tạo ra khoảng trống cho các ngành công nghệ, kỹ nghệ cao hơn thế vào. Nhưng để chuyển đổi không phải dễ dàng làm được trong ngày một ngày hai.

Xây dựng cụm ngành và lực lượng doanh nghiệp chiến lược

* Ông có thể nói rõ hơn về cái gọi là "không dễ dàng"?

- Trước đây, phát triển những ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ rất nhanh, nhưng để phát triển những ngành công nghệ cao không phải nước đến chân mới làm, nó đòi hỏi có sự chuẩn bị 5-7 năm bền bỉ mới được. Đây là thời điểm đặt ra câu hỏi đó một cách nghiêm túc.

Quá trình chuyển đổi diễn ra nhanh hay chậm, thành công hay không đó là bài toán của chính sách của TP.

* Vậy TP.HCM cần chuẩn bị những gì để tận dụng cơ hội?

  • Phải có chiến lược chuyển dịch ngành nghề  第2张

    Khi công nhân rời phố về quê: Vì sao người đến TP.HCM giảm?ĐỌC NGAY

- Hiện nay TP.HCM không có doanh nghiệp nào chiến lược, mà toàn doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp lớn lại là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Đầu tiên, muốn chuyển đổi thì TP.HCM phải xây dựng được cụm ngành chiến lược và lực lượng doanh nghiệp chiến lược rồi mới tính tiếp đến chính sách đầu tư lâu dài như khoa học, giáo dục, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Những việc này phải có chiến lược dài hạn, phát triển đều đặn, tuần tự, liên tục, xuyên suốt, không thể một sớm một chiều có thể cải thiện được hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.

* Ông lại có thể nêu ví dụ về hệ quả của việc không chuẩn bị được những việc trên không?

- 40 năm trước, Busan là một thành phố cảng biển lớn nhất của Hàn Quốc, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ hai (sau mỗi Seoul) và có tốc độ đô thị hóa mạnh như TP.HCM hiện nay. Tuy nhiên, họ loay hoay không giải được bài toán khi có sự dịch chuyển ngành nghề giản đơn và lao động giản đơn sang các tỉnh khác.

Việc không tạo ra được những ngành kỹ nghệ năng suất cao khiến thu nhập bình quân đầu người của Busan hiện thuộc nhóm 3-4 tỉnh nghèo nhất Hàn Quốc. Đây là một nguy cơ chúng ta không loại trừ và bài học cho TP.HCM.