Bộ Tài chính vừa công bố báo cáo đánh giá tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 cho biết, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt 1.873,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so với dự toán Quốc hội giao và tăng 6,8% so với thực hiện năm 2023.
Ảnh minh hoạ
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, tính đến hết tháng 9, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.448,2 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 85,1% dự toán cả năm, và tăng 17,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo nêu rõ, dự kiến thu ngân sách trung ương sẽ vượt dự toán khoảng 100 - 110 nghìn tỷ đồng, trong khi thu ngân sách địa phương tổng thể ước vượt khoảng 60 - 70 nghìn tỷ đồng. Với các kết quả khả quan này, Bộ Tài chính cho biết cả năm dự kiến tổng thu ngân sách sẽ cao hơn so với dự toán nhờ vào các chính sách hỗ trợ và phục hồi kinh tế đã phát huy hiệu quả.
Ở khía cạnh chi ngân sách, Bộ Tài chính ước tính tổng chi ngân sách nhà nước cả năm sẽ đạt 2.281,7 nghìn tỷ đồng, tăng 162,3 nghìn tỷ đồng so với dự toán, tương đương mức tăng 7,7%. Trong đó, nguồn vượt dự toán thu là chủ yếu để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu phát sinh. Bội chi ngân sách nhà nước dự kiến sẽ ở mức 389,4 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 3,4% GDP, giảm khoảng 10 nghìn tỷ đồng so với dự toán; cụ thể, bội chi ngân sách trung ương dự kiến bằng mức dự toán, trong khi bội chi ngân sách địa phương có thể giảm khoảng 10 nghìn tỷ đồng nhờ cắt giảm chi đầu tư nguồn vốn vay của các địa phương.
Bộ Tài chính cho biết, đến cuối năm 2024, tỷ lệ nợ công của Việt Nam ước tính khoảng 36 - 37% GDP, nợ Chính phủ vào khoảng 33 - 34% GDP và nợ nước ngoài quốc gia khoảng 32 - 33% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ được duy trì trong phạm vi cho phép, chiếm khoảng 21 - 22% tổng thu ngân sách nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, việc tăng thu ngân sách nhà nước một phần do các chính sách hỗ trợ về thuế và phí đã có tác động tích cực, giúp doanh nghiệp phục hồi, từ đó ổn định kinh tế vĩ mô. Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện chặt chẽ các Luật thuế và nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, tăng cường công tác quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu và kiểm soát hoàn thuế giá trị gia tăng để đảm bảo tính minh bạch. Bộ Tài chính cũng thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý thuế và triển khai hóa đơn điện tử trên diện rộng.
Trong bối cảnh nền kinh tế cần sự hỗ trợ mạnh mẽ, Chính phủ đã chỉ đạo nhiều chính sách miễn, giảm và gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp và người dân. Dự kiến, tổng quy mô các gói chính sách hỗ trợ này lên tới 189,6 nghìn tỷ đồng trong năm 2024, bao gồm 94,9 nghìn tỷ đồng từ giảm thuế, phí, lệ phí và 94,7 nghìn tỷ đồng từ gia hạn thuế và tiền thuê đất. Tính đến hết tháng 9, các biện pháp này đã giảm và gia hạn được khoảng 116,4 nghìn tỷ đồng.
Trong những tháng cuối năm, Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ nhằm tháo gỡ khó khăn, kiểm soát lạm phát và duy trì sự ổn định của nền kinh tế, đồng thời phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Bộ cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện các chính sách quản lý thu ngân sách, đồng thời tăng cường quản lý chi tiêu tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo các nhiệm vụ chi ngân sách đều được thực hiện đúng quy định. Trong đó, chi thường xuyên được yêu cầu tiết kiệm thêm 5% so với dự toán đã giao, cùng với đó là việc rà soát và cắt giảm các nhiệm vụ chi không cần thiết.
Ngoài ra, Bộ Tài chính nhấn mạnh sẽ tập trung nguồn lực để thực hiện chính sách cải cách tiền lương, tăng cường các chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công cho các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các chương trình mục tiêu quốc gia.
Những nỗ lực này không chỉ nhằm đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 mà còn tạo động lực và nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế trong năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
(Theo ĐCSVN)
Đăng thảo luận