Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trần Hiểu Đông. Ảnh: RT.
Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Tương Sơn hôm 14/9, ông Trần cho biết Trung Quốc sẽ "đóng vai trò là trung gian và thúc đẩy giải pháp chính trị cho các vấn đề nóng", kể cả vấn đề Ukraine.
"Về cuộc khủng hoảng Ukraine, chúng tôi sẽ tiếp tục giao tiếp sâu rộng với tất cả các bên liên quan để xây dựng sự đồng thuận nhằm chấm dứt xung đột và dọn đường cho các cuộc đàm phán hòa bình" - ông nói.
Kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu, Trung Quốc đã định vị mình là một bên trung lập, liên tục kêu gọi đàm phán để chấm dứt xung đột. Trung Quốc cũng từ chối ủng hộ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga, lưu ý rằng phương Tây đã gây ra các cuộc xung đột bằng cách mở rộng NATO.
Theo Cui Hongjian, giáo sư tại Đại học Ngoại giao Bắc Kinh, Nga và Ukraine đang tiến gần đến giai đoạn mà giải pháp chính trị có thể xuất hiện, và Trung Quốc sẵn sàng làm "bất cứ điều gì góp phần vào hòa bình".
"Tôi không tin rằng Nga có khả năng duy trì cuộc xung đột, và Ukraine cũng đang ở trong tình trạng tương tự - có lẽ còn tồi tệ hơn ... đây có thể là thời điểm quan trọng để chuyển hướng đến hòa bình" - Cui, một nhà phân tích hàng đầu của Trung Quốc chuyên về các vấn đề châu Âu, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ South China Morning Post bên lề diễn đàn Tương Sơn.
Oleksandr Chalyi, cựu phó ngoại trưởng Ukraine, trước đó đã nhấn mạnh cuộc gặp gần đây giữa các bộ trưởng ngoại giao của Trung Quốc và Ukraine là "rất quan trọng".
"Bây giờ tất cả chúng tôi ở Ukraine đang chờ đợi một số liên lạc, liên lạc trực tiếp, giữa Tổng thống [Volodymyr] Zelensky và Chủ tịch Tập Cận Bình, và tôi nghĩ điều đó sẽ có thể xảy ra," Chalyi cho biết trong một buổi thảo luận hôm 12/9 khi diễn đàn Tương Sơn kéo dài ba ngày khai mạc
Cui cho biết các cuộc đàm phán trực tiếp giữa ông Tập và ông Zelensky là một khả năng có thể xảy ra. "Chúng tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì thúc đẩy hòa bình. Nếu cuộc gọi tiếp theo giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Zelensky giúp giải quyết xung đột, tôi nghĩ Trung Quốc sẽ theo đuổi điều đó," ông nói.
Liên lạc trực tiếp duy nhất giữa hai nhà lãnh đạo là một cuộc gọi điện thoại vào tháng Tư năm ngoái, trong khi chuyến thăm sắp tới của ông Tập đến Moscow vào tháng tới để dự hội nghị thượng đỉnh Brics sẽ là chuyến thăm thứ hai của ông đến nước này kể từ khi xung đột Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.
Vào tháng Bảy, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã tổ chức một vòng đàm phán hiếm hoi với người đồng cấp Ukraine thời điểm đó là Dmitry Kuleba. Sau các cuộc đàm phán này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh tin rằng giải pháp cho xung đột cuối cùng phải đến từ việc trở lại bàn đàm phán, và lưu ý rằng "cả Ukraine và Nga đều đã gửi tín hiệu sẵn sàng đàm phán ở mức độ khác nhau."
Tuy nhiên, sau khi Ukraine bắt đầu cuộc tấn công quy mô lớn vào Nga vào đầu tháng Tám, Moscow cho biết họ sẽ từ chối tham gia miễn là lực lượng Kiev chiếm đóng một phần lãnh thổ được quốc tế công nhận của Nga.
Đầu tuần này, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky cũng chỉ trích Trung Quốc và Brazil, cho rằng hai nước này đang "ủng hộ phía Nga" trong xung đột, vì họ đã đưa ra các sáng kiến hòa bình mà không hỏi ý kiến Kiev trước.
Vào tháng Năm, hai quốc gia này đã đề xuất một kế hoạch sáu điểm bao gồm các biện pháp ngăn chặn leo thang, và cũng kêu gọi đàm phán trực tiếp giữa Moscow và Kiev, cùng với một hội nghị hòa bình quốc tế được cả Nga và Ukraine chấp nhận.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận