Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) vừa thực hiện chiến dịch đầu tiên nhắm vào các nhóm buôn người đang ép các nạn nhân thực hiện những vụ lừa đảo qua mạng ở quy mô công nghiệp.

Tội phạm buôn người lan rộng toàn cầu  第1张

Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ những kẻ đưa người di cư trái phép trong “Chiến dịch những người tạo bão 2” của Interpol - Ảnh: Interpol

Hôm 8-12, Interpol cho biết "Chiến dịch những người tạo bão 2" (Operation Storm Makers 2) của họ cho thấy hiện tượng lạm dụng nạn nhân buôn người để lừa đảo qua mạng đang lan rộng ra toàn cầu, vượt ra ngoài phạm vi Đông Nam Á, với các trung tâm lừa đảo xuất hiện ở tận Mỹ Latin.

27 nước tham gia

Sau năm tháng phối hợp điều tra với Interpol, cơ quan thực thi pháp luật ở nhiều nước đã tiến hành hơn 270.000 cuộc kiểm tra tại 450 điểm nóng về buôn người và đưa người "đi lậu" trong khoảng thời gian từ ngày 16 đến 20-10 năm nay.

Nhiều điểm nóng trong số này thường xuyên được sử dụng để đưa nạn nhân đến các trung tâm lừa đảo qua mạng khét tiếng ở Đông Nam Á.

Nạn nhân thường bị dụ dỗ thông qua các quảng cáo việc làm giả mạo và bị ép buộc phải thực hiện hành vi lừa đảo qua mạng "ở quy mô công nghiệp", thậm chí họ còn bị hành hạ về thể xác. Các hoạt động lừa đảo bao gồm đầu tư tiền ảo, cờ bạc trực tuyến...

Chiến dịch đã huy động lực lượng chấp pháp ở 27 quốc gia trên khắp châu Á và các khu vực khác bao gồm: Angola, Úc, Bangladesh, Brazil, Campuchia, Trung Quốc, Ethiopia, Ghana, Ấn Độ, Indonesia, Kazakhstan, Kenya, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Pakistan, Philippines, Singapore, Nam Phi, Sri Lanka, Tanzania, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uganda, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Việt Nam.

Tội phạm buôn người lan rộng toàn cầu  第2张

Nguồn: Interpol - Dữ liệu: BÌNH AN - Đồ họa: N.KH.

Lan rộng quy mô lừa đảo

Các vụ lừa đảo qua mạng thông qua nạn nhân buôn người - sau khi bị phanh phui - cho thấy phạm vi hoạt động của bọn tội phạm ngày càng mở rộng. Interpol gọi đây là "sự toàn cầu hóa" của các trung tâm lừa đảo qua mạng.

"Mặc dù phần lớn các vụ này vẫn tập trung ở Đông Nam Á, nhưng chiến dịch đã cung cấp thêm bằng chứng cho thấy cách thức hoạt động này đang lan rộng, với các nạn nhân đến từ những lục địa khác và các trung tâm lừa đảo mới xuất hiện ở những nơi xa xôi như Mỹ Latin", bà Rosemary Nalubega, thành viên phụ trách các nhóm dễ tổn thương tại Interpol, bình luận.

Chẳng hạn Interpol chia sẻ về vụ việc của 40 nạn nhân người Malaysia bị dụ đến Peru với lời hứa "việc nhẹ lương cao", nhưng sau đó bị ép phải thực hiện hành vi lừa đảo.

Hay trong vụ khác, một số người Uganda bị đưa đến Dubai (được cho là để làm việc), nhưng sau đó bị đưa tới Thái Lan và tiếp đến là Myanmar. Tại những nơi này, các nạn nhân bị giao cho một tổ chức lừa đảo trực tuyến và bị một nhóm mang vũ khí trông chừng trong lúc họ được dạy cách qua mặt các ngân hàng.

  • Món đồ 5-7 ngàn cũng phải xuất hóa đơn: Người buôn bán nhỏ than 'khó làm được'

  • Bản án tử hình 3 người Hàn Quốc, Trung Quốc buôn ma túy: Việt Nam xử lý theo trình tự pháp luật

  • Bắt người chủ mưu buôn lậu xăng dầu trên biển

Tại Ấn Độ, cảnh sát bang Telangana đã ghi nhận một trong những vụ buôn người đầu tiên để phục vụ mục đích lừa đảo qua mạng.

Cụ thể, một kế toán viên đã bị dụ đến Đông Nam Á, ở đó anh bị buộc phải tham gia các hoạt động lừa đảo trực tuyến một cách vô nhân đạo.

Cuối cùng nạn nhân chỉ có thể rời đi sau khi đã trả tiền chuộc cho nhóm tội phạm. Chỉ riêng tại Myanmar, trong năm qua, nhà chức trách đã giải cứu cho các nạn nhân buôn người đến từ 22 quốc gia.

Liên Hiệp Quốc cho biết tại Đông Nam Á, hàng trăm ngàn người đã bị các băng nhóm tội phạm buôn bán và buộc phải làm việc trong các trung tâm lừa đảo, hay thực hiện các hoạt động trực tuyến phi pháp khác vốn nổi lên trong những năm gần đây.

Theo Liên Hiệp Quốc, các trung tâm lừa đảo này đang phát triển nhanh chóng và kiếm được hàng tỉ USD mỗi năm.

Một cuộc điều tra của Hãng tin Reuters vào tháng trước cũng đã trình bày chi tiết về sự xuất hiện của hình thức lừa đảo này. Cuộc điều tra đã tìm hiểu cách một tài khoản tiền điện tử được đăng ký dưới tên công dân Trung Quốc ở Thái Lan đã nhận được hàng triệu USD từ một ví điện tử mà theo công ty phân tích blockchain của Mỹ là có liên quan đến lừa đảo.

Nạn nhân của vụ này là công dân Mỹ. Interpol nhận định chỉ có hành động phối hợp toàn cầu mới có thể thực sự giải quyết được "tình trạng toàn cầu hóa của xu hướng tội phạm này".

Cần tăng cường phổ biến kiến thức, thông tin

Để đối phó nạn buôn người và đưa người di cư trái phép, Interpol nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phòng ngừa. Hiện nay nhiều nước đã triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức để giúp người dân không trở thành nạn nhân của tội phạm buôn người.

Tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, nhiều chiến dịch tuyên truyền đã được triển khai tại các khu chợ và tiệm massage về nguy cơ và những dấu hiệu của loại tội phạm này. Nhà chức trách Nepal cũng đã phổ biến các thông tin liên quan trên đài phát thanh, tại các khu vực biên giới và phát tờ rơi nơi công cộng để người dân biết cách phòng ngừa.