Kinh nghiệm lái xe từ thực tế:
Ô tô con lao vào dải phân cách và đầu xe container, nghi tài xế buồn ngủ
(Dân trí) - Hình ảnh do camera hành trình ghi lại cho thấy không có sự cố gì khẩn cấp phía trước nhưng chiếc ô tô con đã bất ngờ lao vào dải phân cách, sau đó bật ra, lao vào đầu xe container.
Tình huống diễn ra vào lúc 5h30 sáng 31/1 trên đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo hình ảnh do camera của một ô tô chạy phía sau ghi lại, các xe ở làn ngoài cùng bên trái đã chạy khá sát nhau, và một tài xế bất ngờ lạng tay lái, đâm xe vào dải phân cách bằng bê-tông rồi bật ra, lao vào đầu xe container đang chạy ở làn bên phải.
Ô tô con lao vào dải phân cách và đầu xe container, nghi tài xế buồn ngủ (Video: OFFB).
Khi video ghi lại sự việc được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân là tài xế ô tô con mất tập trung hoặc buồn ngủ nên mới bị lạng tay lái, đâm vào dải phân cách như vậy. Tuy nhiên, may mắn là xe container khi đó không chạy quá nhanh nên đã kịp đánh lái tránh và phanh lại.
Dù lý do là gì, tình huống trên để lại một số bài học kinh nghiệm cho tất cả mọi người khi lái xe trên đường nói chung và trên đường cao tốc nói riêng.
Thứ nhất là tầm quan trọng của giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước, để có thể kịp thời xử lý khi xảy ra tình huống khẩn cấp, tránh dẫn đến tai nạn liên hoàn.
Thứ hai là mối nguy mất an toàn từ việc mất tập trung hoặc buồn ngủ sau tay lái, chỉ cần tài xế chợp mắt một giây cũng có thể để lại hậu quả khủng khiếp.
Ngay cả những người cầm lái lâu năm cũng thừa nhận rằng, đôi khi vì chủ quan mà rơi vào tình trạng ngủ tạm thời sau vô lăng, còn gọi là "giấc ngủ trắng". Đó là khi cơ thể đã mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi để nạp năng lượng, tài xế vẫn điều khiển vô lăng nhưng rơi vào trạng thái ngủ, dù mắt vẫn mở, sau đó có thể thiếp đi bất cứ lúc nào.
Tài xế có xu hướng buồn ngủ khi lái xe đường dài ở những đoạn đường thẳng và vắng (thường là đường cao tốc, quốc lộ), hoặc lái xe vào các khoảng thời gian nhịp sinh học của cơ thể cần nghỉ ngơi (từ 10h tối đến 5h sáng hoặc từ 13h đến 15h chiều, đặc biệt là sau bữa cơm trưa).
Tài xế cũng dễ buồn ngủ nếu lái xe sau một đêm ngủ ít hơn bình thường, làm việc quá sức (tan ca đêm), hoặc sau khi uống các loại thuốc có tác dụng phụ gây buồn ngủ, ví dụ như thuốc cảm.
Còn một nguyên nhân nữa ít người chú ý đến nhưng cũng khiến tài xế buồn ngủ; đó là tình trạng thiếu ôxy bên trong xe, do chế độ gió điều hòa không hợp lý.
Một số người thậm chí không nhận biết được là mình sắp ngủ gật sau vô lăng, trong khi một số khác biết bản thân buồn ngủ nhưng lại chủ quan cho rằng có thể xua cơn buồn ngủ bằng cách mở cửa sổ xe hoặc bật to nhạc trong xe.
Tuy nhiên, thực tế là cả hai trường hợp đều có thể khiến lái xe ngủ gật bất cứ lúc nào, đặt bản thân và những người đi cùng trên xe vào vòng nguy hiểm.
Để đảm bảo an toàn, ngay khi cơ thể có một số dấu hiệu của việc buồn ngủ, như cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, đầu óc mơ màng, khó tập trung, nháy mắt liên tục, mí mắt trĩu nặng, ngáp không dừng và chảy nước mắt, lái xe chuệch choạng, tốc độ không ổn định..., tài xế hãy dừng xe lập tức, tấp xe vào vị trí an toàn, như điểm dừng nghỉ, rồi ngả ghế nhắm mắt thư giãn hoặc hẹn giờ đồng hồ ngủ giấc ngắn 10-15 phút, để cho cơn buồn ngủ trôi qua.
Chúc các bạn lái xe an toàn!
Đăng thảo luận