YênBái - Trong những năm gần đây, Yên Bái đã nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là trong việc kiên cố hóa trường, lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên. Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, Yên Bái có 3 tập thể và 1 cá nhân được Bộ Giáo dục- Đào tạo khen thưởng về xã hội hóa kiên cố hóa trường lớp học.
Giờ học Tiếng Anh của cô và trò Trường THCS Trần Phú, huyện Văn Chấn.
>> Yên Bái có 3 tập thể và 1 cá nhân được Bộ Giáo dục- Đào tạo khen thưởng về xã hội hóa kiên cố hóa trường lớp học
>> Yên Bái tập trung nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia
>> Yên Bái xây dựng trường học xanh
Trước năm 2023, Trường THCS Trần Phú, huyện Văn Chấn còn thiếu phòng học bộ môn, diện tích phòng học bộ môn sẵn có cũng không đảm bảo, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các nhiệm vụ giáo dục. Nhà trường đề xuất nhiều lần trong nhiều năm nhưng chưa được giải quyết. Trong khi đó, nhà trường đóng trên địa bàn thị trấn nên không còn được hưởng các chính sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo các chương trình giảm nghèo.Thầy giáo Phạm Văn Toán - Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Rất may mắn năm 2023, nhà trường được Agribank huyện Văn Chấn tài trợ 5 tỷ đồng cùng với nguồn vốn của huyện 1 tỷ đồng đầu tư xây dựng dãy nhà phòng học bộ môn 2 tầng khang trang. Đến nay có thể khẳng định, cơ sở vật chất của nhà trường đáp ứng được yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018”.
Cùng với dãy nhà phòng học bộ môn khang trang, nhà trường được Hội Cha mẹ học sinh, cựu học sinh quyên góp xây dựng nhà đa năng theo hình thức trao tặng. Thầy Toán chia sẻ thêm: "Nhờ có nhà đa năng mà việc tổ chức hoạt động của các câu lạc bộ trong trường được hiệu quả hơn. Thu hút được học sinh tham gia vào hoạt động giáo dục đã giúp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường”.
Theo thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Văn Chấn, chỉ riêng năm 2024, toàn huyện đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất ở 12 trường, gồm 7 trường mầm non, 2 trường THCS, 3 trường TH&THCS với tổng kinh phí hơn 59,7 tỷ đồng và xây dựng được 32 phòng học văn hóa, 25 phòng học bộ môn, 25 phòng và 9 công trình phụ trợ khác.
Trong năm 2024, các tổ chức từ thiện đã tích cực hỗ trợ ngành giáo dục Văn Chấn kiên cố hóa trường, lớp học. Từ tháng 6/2024 đến nay, địa phương đã khánh thành 5 điểm lẻ từ các nguồn tài trợ, đa số là các phòng học mầm non. Trong giai đoạn 2020 - 2024, có 76 dự án công trình trường học được xây dựng với tổng kinh phí 298 tỷ đồng. Nguồn kinh phí chủ yếu đến từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, dự án vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Riêng nguồn xã hội hóa đã đóng góp xây dựng 22 công trình với tổng kinh phí 14 tỷ 750 triệu đồng.
Các nguồn tài trợ xã hội hóa trong đề xuất của ngành giáo dục tập trung vào các điểm lẻ và công trình phụ trợ, còn đầu tư xã hội hóa lớn chủ yếu đến từ các doanh nghiệp lớn. Mặc dù các doanh nghiệp lớn trên địa bàn huyện không nhiều song cũng có sự đóng góp tích cực vào công tác kiên cố hóa trường, lớp học.
Ông Cao Ngọc Thanh - Giám đốc Agribank Chi nhánh huyện Văn Chấn cho biết: "Những năm qua, đơn vị đã dành nhiều nguồn lực để góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện công tác an sinh xã hội. Từ năm 2013 đến năm 2024, bằng nhiều nguồn hỗ trợ, Agribank Chi nhánh huyện Văn Chấn luôn ưu tiên đầu tư, tài trợ cho giáo dục với tổng nguồn kinh phí 15,4 tỷ đồng. Tiêu biểu như năm 2018 tài trợ dự án xây dựng Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) Bán trú Tiểu học Cát Thịnh, Trường PTDT Bán trú TH&THCS Sùng Đô, mỗi trường là 2,5 tỷ đồng; năm 2022 tài trợ xây dựng Trường THCS Trần Phú 5 tỷ đồng; năm 2024 đang tài trợ xây dựng phòng ở cho học sinh Trường PTDT nội trú THCS huyện Văn Chấn là 2 tỷ đồng. Cùng với đó, chúng tôi vận động từ các nguồn hỗ trợ trao nhiều học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, trao tặng các thiết bị cho các trường học trên địa bàn”.
Cuối tháng 10 vừa qua, Trường Mầm non Lao Chải, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải khởi công xây dựng điểm trường Hú Trù Lình với sự tài trợ của Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Trường Mầm non Lao Chải có 1 điểm chính, 4 điểm lẻ với 416 học sinh đều là người Mông, trong đó điểm trường Hú Trù Lình có 3 lớp và 86 học sinh. Điểm trường cũ có 3 nhà lắp ghép cùng với bếp tạm từ những năm 2012 xuống cấp nghiêm trọng, điểm trường chật hẹp, diện tích sân chơi không đảm bảo. Đặc biệt vào mùa mưa, lớp học thường xuyên bị ngập nước.
Nhờ sự kết nối của Phòng GD&ĐT huyện, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, điểm trường được xây dựng tại địa điểm mới do xã và người dân tạo điều kiện với 3 lớp học, 1 bếp. Đây là niềm vui lớn của cô và trò nhà trường.
Bà Văn Thùy Dương - Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) chia sẻ: "Chứng kiến sự thiếu thốn về cơ sở vật chất của cô và trò nơi đây, chúng tôi mong muốn được làm điều ý nghĩa để cải thiện điều kiện học tập cho các em, để các em có cơ hội phát triển, các cô có cơ hội tạo ước mơ và hoài bão cho các em. Hy vọng điểm trường Hú Trù Lình sẽ đón được nhiều học sinh mầm non tới trường, là nơi khởi đầu hấp dẫn cho hành trình học tập đầy hấp dẫn cho các con, là nơi nuôi dưỡng những ước mơ, là nơi các em được hạnh phúc mỗi ngày”. Điểm trường Hú Trù Lình là một trong hàng chục điểm trường được xây dựng mới từ sự hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức, cá nhân kết nối thông qua Phòng GD&ĐT huyện.
Trong giai đoạn 2020 - 2024, huy động từ nguồn lực xã hội hóa, Mù Cang Chải đã đầu tư kiên cố hóa 37/54 điểm trường lẻ mầm non tại các xã đặc biệt khó khăn với 62 phòng học, 7 phòng ở, 3 phòng công vụ, 11 nhà bếp, 8 phòng làm việc, 5 phòng thư viện; 20 công trình vệ sinh, gần 100 giàn năng lượng nước nóng cho các trường nội trú, bán trú và một số hạng mục thiết yếu khác cho các trường với tổng kinh phí trên 32,7 tỷ đồng, góp phần nâng tỷ lệ phòng học kiên cố hóa đạt 74,5%, tăng 9,5% so với năm 2020.
Khởi công xây dựng điểm trường Hú Trù Lình, Trường Mầm non Lao Chải, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải
Ông Nguyễn Anh Thủy - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mù Cang Chải cho biết: "Lãnh đạo huyện và ngành giáo dục chú trọng đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, kêu gọi, huy động các nguồn vốn từ các nguồn đóng góp, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học, kể cả các nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Phòng GD&ĐT huyện đã chủ động tham mưu cho UBND huyện về công tác chỉ đạo và phối hợp với các phòng, ban chuyên môn của huyện, UBND các xã có trách nhiệm hỗ trợ toàn bộ thủ tục hành chính để các tổ chức, cá nhân thuận lợi nhất khi thống nhất đầu tư hỗ trợ; lựa chọn các công trình thiết thực, những hạng mục công trình thiết yếu, xuống cấp, cấp thiết cần được đầu tư để vận động kêu gọi xã hội hóa nhằm tăng thêm hiệu quả kêu gọi, tư vấn, định hướng cho các nhà tài trợ hướng vào những công trình trọng thiết yếu, cấp thiết, tránh dàn trải, lãng phí; quản lý, sử dụng nguồn vốn tài trợ công khai, minh bạch, hiệu quả".
"Đồng thời phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã trong việc quy hoạch, mở rộng quỹ đất giáo dục, lựa chọn quỹ đất xây dựng điểm trường, phòng học để giới thiệu cho các nhà tài trợ thu hút đầu tư. Chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân cùng chung tay như vận động nhân dân trong bản đối ứng bằng cách hiến đất làm trường, hỗ trợ vật liệu xây dựng, tham gia ngày công mở đường và san nền, vận chuyển vật liệu, cung cấp nguồn nước, điện, nhất là đảm bảo các điều kiện ăn, ở và an ninh trật tự cho thi công công trình, bảo quản công trình sau khánh thành...”, ông Thủy nói thêm.
Địa hình đồi núi cộng với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, Yên Bái thường xuyên phải gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai gây ra cho nên nhu cầu nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trường lớp học, nhà công vụ giáo viên là rất lớn. Những năm qua, tỉnh đã nỗ lực bố trí, sắp xếp nguồn đầu tư của Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội hóa, góp phần quan trọng đẩy mạnh kiên cố hóa trường, lớp học, nhà công vụ giáo viên đạt kết quả tích cực. Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, Yên Bái đã có 3 tập thể và 1 cá nhân được Bộ Giáo dục- Đào tạo khen thưởng về xã hội hóa kiên cố hóa trường lớp học. Trên đà kết quả đạt được, Yên Bái phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ kiên cố hóa đạt 95%, đến năm 2030 đạt 100%.
Để hoàn thành mục tiêu đó, Yên Bái sẽ tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tiếp tục lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực từ các chương trình, dự án của Trung ương và ngân sách địa phương, sự chung tay của các tổ chức, cá nhân. Yên Bái không ngừng nỗ lực để từng bước hoàn thiện hệ thống giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho thế hệ tương lai.
Năm 2013, tỉnh Yên Bái có 6.069 phòng học các cấp, trong đó có 4.115 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 68%; năm 2023 có 6.871 phòng học, trong đó có 6.026 phòng kiên cố, đạt tỷ lệ 87,7%. Ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, tỉnh Yên Bái đã huy động được 223,78 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa, giúp tăng thêm 455 phòng học và 36 phòng công vụ cho giáo viên của 79 trường học được xây dựng kiên cố.
Thanh Ba
Tags Mù Cang Chải trường lớp học học sinh giỏi kiên cố điểm trường trường chuẩn quốc gia
Đăng thảo luận