Dù xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2024 tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt tổng kim ngạch hơn 2,4 tỉ USD song ngành tôm vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn, thách thức
Người nuôi tôm ở ĐBSCL đang bị "bó trong nhiều cái khó" do dịch bệnh, tôm chết, chi phí nuôi tăng vọt, giá tôm xuống thấp không đủ bù chi phí. Nhiều người nuôi tôm phải gồng mình chịu đựng hoặc chấp nhận "treo ao" chờ đợi.
Bài học cũ vẫn hiện hữu
Lĩnh vực nuôi là mắt xích quan trọng nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm nói riêng và nhiều ngành hàng thủy sản khác nói chung, tác động lớn đến các mắt xích còn lại như con giống, thức ăn, chế biến, xuất khẩu...
Không chỉ người dân, nỗi lo của doanh nghiệp vẫn chưa vơi khi nghề tôm ngày càng gặp khó. Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm luôn lo thiếu nguyên liệu; xuất khẩu thì gặp khó trước các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ, Ecuador.
Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu ở ĐBSCL không chỉ đầu tư công nghệ tiên tiến, hình thành các cụm nhà máy hiện đại mà còn quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu .Ảnh: LÊ HOÀNG VŨ
Người nuôi tôm ở ĐBSCL đã chuyển sang phương thức nuôi công nghiệp khoảng 10 năm qua, áp dụng các quy trình tiên tiến. Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu không chỉ đầu tư công nghệ tiên tiến, hình thành cụm nhà máy hiện đại mà còn quan tâm xây dựng vùng nguyên liệu.
Nhiều mô hình như: nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng, "con tôm ôm cây đước", "con tôm ôm cây lúa", "con tôm ôm dòng điện sạch"... đã được triển khai. ĐBSCL còn kỳ vọng xây dựng "thủ phủ nuôi tôm" ở Bạc Liêu kết nối với các tỉnh có vùng tôm nuôi nguyên liệu lớn như Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang... Thế nhưng, đến nay, con đường phát triển của ngành tôm miền Tây vẫn còn rất chông chênh.
Xuất khẩu tôm 8 tháng đầu năm 2024 dù tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng người nuôi vẫn lo âu vì dịch bệnh, chi phí tăng…
Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bến Tre là 5 tỉnh ở ĐBSCL nhiều năm liền đứng đầu cả nước về diện tích và sản lượng tôm nuôi, cung cấp khoảng 70% sản lượng và giá trị xuất khẩu. ĐBSCL từng tạo ra kỳ tích về việc nuôi, chế biến, xuất khẩu tôm. Thế mạnh về điều kiện tự nhiên vùng nuôi, năng lực chế biến và xuất khẩu tôm đã được nhận diện, song để ĐBSCL thật sự trở thành "công xưởng nuôi tôm thế giới", ngành tôm vùng này còn nhiều việc phải làm.
Trong khi cá tra được kỳ vọng sẽ tăng trưởng sau kết quả rà soát sơ bộ của Bộ Thương mại Mỹ - áp dụng thuế suất 0% cho 8 doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam thì con tôm vẫn cần nhiều trợ lực và giải pháp hiệu quả để trút gánh nặng cho ngành hàng xuất khẩu tỉ đô này.
Tin vui là tháng 8 vừa qua, xuất khẩu tôm tiếp tục ghi nhận tăng trưởng 2 con số ở hầu hết các thị trường tiêu thụ chính như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU); còn các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc ghi nhận vẫn duy trì đà tăng nhẹ. Nhiều người tin tưởng ngành tôm có thể vượt qua khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, những bài học cũ vẫn còn hiện hữu.
Đó là tình trạng phát triển "nóng" vùng nuôi, mạnh ai nấy làm. Trong cơn khát vốn đầu tư mở rộng quy mô, nhiều người nuôi lẫn hợp tác xã, doanh nghiệp thủy sản nợ nần lẫn nhau, tạo ra hiện tượng "đô-mi-nô". Năng lực tài chính, quản trị và liên kết doanh nghiệp chính là điểm yếu kém của ngành tôm, đòi hỏi cần có sự thay đổi căn bản, toàn diện.
Cần nghĩ khác, làm khác
Mục tiêu biến ĐBSCL trở thành vùng sinh thái nuôi tôm hay "công xưởng nuôi tôm thế giới", góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 10 tỉ UDS vào năm 2025 - vốn được nhiều người đề ra gần 10 năm trước - xem ra còn xa vời. Kim ngạch xuất khẩu tôm năm 2023 chỉ mới được 3,38 tỉ USD; 8 tháng đầu năm 2024 dù tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng cũng chỉ đạt hơn 2,4 tỉ USD.
Để ngành tôm phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần cách nghĩ, cách làm khác hơn. Khoa học - công nghệ là phương tiện nhưng rất cần sự tiếp cận đa ngành, sự phối hợp hành động liên ngành và một quyết tâm mạnh mẽ. Cần phải liên kết vùng, thương hiệu hóa và luật hóa "sân chơi" nội địa lẫn quốc tế để các doanh nghiệp ngành tôm đủ sức lớn mạnh trong nước và cạnh tranh với bên ngoài.
Các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ thông tin và tự động hóa cần được ngành tôm đẩy mạnh đầu tư, không chỉ trong sản xuất mà còn cả trong sự vận hành của chuỗi cung ứng. Cần tận dụng nhanh cơ hội từ thương mại điện tử; quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ sinh thái cho nền kinh tế số, kinh tế chia sẻ; tận dụng các hiệp định mới để tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu.
Để thực hiện những yêu cầu đó, cần sự tiếp cận đa ngành và sự phối hợp liên ngành, chứ không chỉ mỗi ngành tôm hay thủy sản. Hơn cả giấc mơ trở thành "công xưởng nuôi tôm thế giới" hay khẳng định vị thế "thủ phủ cá tra toàn cầu", ĐBSCL phải thật sự trở thành "trung tâm sinh thái nuôi trồng thủy sản" phát triển bền vững, gắn với nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, dựa trên nền tảng hệ sinh thái kinh tế số và việc xây dựng, bảo vệ các thương hiệu.
Xuất khẩu cá tra khởi sắc
Theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cá tra của Việt Nam trong tháng 8-2024 đạt 191 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 8 tháng đạt gần 1,3 tỉ USD, tăng 9%.
Xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) trong tháng 8-2024 đạt hơn 57 triệu USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến hết tháng 8-2024, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 370 triệu USD.
Xuất khẩu cá tra sang Mỹ trong tháng 8-2024 đạt hơn 35 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ; lũy kế 8 tháng đạt 226 triệu USD, tăng 23%.
T.Tâm
Đăng thảo luận