(NLĐO) - Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 10 năm qua (2013-2023), Chính phủ đã 7 lần điều chỉnh lương hưu với mức điều chỉnh tăng bình quân hơn 8,43% mỗi lần, cao hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng trong cùng giai đoạn.
Lịch trả lương hưu bắt đầu từ đầu tháng nhưng ngay từ cuối tháng, bà Nguyễn Thị Hảo (74 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TP HCM) đã ra vào nhìn cuốn lịch treo tường chờ đến ngày ra bưu điện lĩnh lương. Nghỉ hưu từ đầu những năm 2002, đến nay sau nhiều lần được tăng, mức lương hưu của bà Hảo được nhận hơn 4,9 triệu đồng/tháng.
Chồng bà Hảo là lao động tự do nên không lương hưu, khoản tiền lương của bà là nguồn thu lớn nhất của hai vợ chồng. Với khoản lương hưu gần 5 triệu của đồng, bà phải dành ra một khoản để phòng đám cưới, giỗ chạp, thăm người ốm... Số còn lại lo chi tiêu hằng tháng của hai vợ chồng.
Từ ngày 1-7-2024, người nhận lương hưu được điều chỉnh tăng 15%
"Các con tôi làm công nhân nên thu nhập chỉ đủ ăn, không dư dả để đỡ đần được ba mẹ. Với mức lương hiện tại ở thành phố khi mà rau thịt, điện, nước... đều tăng, khj nhận lương về tôi phải tính toán rất kỹ xem chi các khoản thế nào, chứ không sẽ thiếu" - bà Hảo nói.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội, mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm xã hội.
Mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính trên cơ sở mức tiền lương tháng làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội và thời gian người lao động đã đóng. Như vậy, mức lương hưu của người lao động cao hay thấp tùy thuộc vào thời gian đóng, và mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi còn làm việc.
Theo quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế, phù hợp với ngân sách Nhà nước và Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Đăng thảo luận