Bão đi qua, ta thêm yêu thương, biết sẻ chia hơn với những mảnh đời khốn khó. Bão tan, ta bắt đầu lại từ những mầm xanh hy vọng...

Mấy hôm nay, Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc đang hứng chịu hậu quả từ siêu bão Yagi. Tôi đang ở trọ giữa lòng thủ đô, nghe tiếng gió rít qua mái nhà; ngoài cửa sổ, những trận mưa như trút nước thì nhận được tin nhắn hỏi thăm của mẹ.

Cứ một lúc lại nhận được tin nhắn của mẹ, rồi trực tiếp thấy khung cảnh tan hoang ngay xung quanh khu trọ, tôi lại có chút cảm giác bất an. Tiếng gió thổi thốc mỗi lúc một mạnh. Nó rít lên từng đợt ghê rợn. Đâu đó đã có những mái tôn bị gió thổi bay xa. Bản thân bất giác co mình lại. Tôi lo lắng đủ thứ, từ những người đang đi ngoài đường, những người vô gia cư, những chiến sĩ phải gồng mình để giảm thiểu thiệt hại cho người dân... Tôi mơ màng nhớ về những cơn bão trong tuổi thơ nơi miền Trung xa ngái.

Sống ở miền Trung nên bão lũ đối với tuổi thơ tôi quá đỗi quen thuộc, như một phần tất yếu. Trong ký ức thơ ấu, năm nào mùa mưa cũng có bão, bão lũ liên miên, có khi một năm tới mười mấy cơn bão lớn nhỏ. Bão tới là cả một vùng quê mất điện, chỉ có thể dùng đèn dầu, đốt nến. Nhà dột, xô chậu đặt khắp nơi để hứng nước. Nhưng hồi bé, dù ngay khi bão lũ, mình vẫn cảm thấy an toàn lắm, không thấy sợ gì cả. 

Bão tới, trẻ con nghỉ học, người lớn nghỉ làm, ở trong nhà tránh bão. Mùa mưa bão, ăn cơm nóng rất ngon, thức ăn được trữ sẵn từ trước. Bão vào, ba mẹ con nằm yên trong phòng, cả đêm không ngủ. Bão tan, xung quanh đổ nát, nước ngập đến bắp chân. Tôi vẫn nhớ những lần sau cơn bão, lội nước ngập trên mấy cánh đồng quanh nhà, bắt cua cá, gấp thuyền thả trôi…

Thú thật, bão trong ký ức tuổi thơ là những ngày ấm cúng, vui vẻ và còn có gì đó bí hiểm, gây hứng thú, khơi dậy tò mò lẫn sợ hãi. Hồi bé, không biết gì cả, chỉ biết bão đến, bão đi loanh quanh xóm làng nhà mình. Bão vào, gió róng rít từng cơn, mưa xối xả như tắm vòi hoa sen, cây cối rạp sát đất, gật lên gật xuống như bổ củi và cái cách mọi người đi trong bão trông rõ tức cười. 

Cây đổ nằm la liệt khắp nơi, nước chảy thành sông và đọng lại thành hồ lớn. Lũ cá trong ao được phóng thích, ào ra bơi lội tung tăng khắp mọi ngõ ngách, tràn cả vào sân nhà. Bà con mang nơm, vó đi bắt cá chẳng khác gì trẩy hội. Hồi bé, cảm thấy như vậy, chắc bởi bên cạnh có mẹ, có em, có một mái nhà vững chắc của bố để nương náu những ngày "trái gió trở trời".

Đến khi lớn hơn, xa nhà lên thành phố học, tôi không còn thấy thích bão như vậy nữa. Còn nhớ có đợt mưa bão, TP Vinh ngập trong nước. Tôi một mình ở trọ. Mưa lụt ngập đến quá đầu gối; trong phòng, sách vở, nồi niêu, giường chiếu dập dềnh như những chiếc thuyền con. Đến khi nước rút, dù lau dọn thế nào cũng không hết được mùi tanh của bùn đất để lại.

Ngày trước, hơn một lần tôi muốn rời quê, vì khổ, vì thấy cảnh người dân dành dụm vất vả bao nhiêu nhưng thoáng chốc cũng có thể bị một cơn bão cuốn bay đi hết.

 Cơn bão đi qua 第1张

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Miền Trung luôn gắn với cái "nghèo". Những người "nghèo" ở với nhau chỉ có thể hứa bằng những "lời hứa nghèo", bằng những lời quê mộc mạc. "Khi mô" có nhiều tiền, mẹ mua cho con đồ mới; "khi mô" dành dụm đủ, bố mua cho con máy tính mới; "khi mô" con lớn, con sẽ học thật giỏi, sẽ kiếm tiền để mọi người đỡ cực, đỡ khổ.