(NLĐO) - Tình trạng nợ BHXH diễn ra phổ biến ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, đặc biệt có hơn 200.000 người bị treo quyền lợi BHXH do doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn…
Do kinh doanh không thuận lợi, Công ty TNHH S.H (đóng trên địa bàn TP HCM) đã nợ BHXH kéo dài suốt 18 tháng với số tiền nợ lên đến gần 14 tỉ đồng khiến nhiều người lao động gặp khó khăn khi đau ốm, thai sản, giải quyết các thủ tục khi nghỉ việc.
Dù công ty cũng đã đưa ra các phương án giải quyết tạm thời như chi trả lại chi phí khám, chữa bệnh khi người lao động nằm viện hoặc sinh con… song vẫn khiến họ lo lắng những quyền lợi lâu dài sẽ bị ảnh hưởng nếu doanh nghiệp không khắc phục nợ BHXH.
Vào làm việc tại công ty chỉ một năm, tháng nào trong phiếu lương cũng trừ các khoản BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) nhưng sau một lần kiểm tra trên ứng dụng VSSID, anh Trần Văn Hiếu, nhân viên công ty phát hiện mình bị chậm đóng BHXH, BHYT suốt hơn 6 tháng. Điều này khiến anh rất bức xúc bởi anh sức khỏe yếu thường xuyên thăm khám.
Anh đã trao đổi với bộ phận nhân sự công ty về việc khắc phục nợ bảo hiểm nhưng công ty lấy lý do đang gặp khó khăn để không thực hiện và hứa sẽ thanh toán viện phí nếu anh nằm viện. Không đạt được thỏa thuận, anh Hiếu xin nghỉ việc. "Tuy nhiên, do công ty nợ BHXH nên rất lâu tôi mới được chốt sổ BHXH" - anh nói.
Người lao động được tư vấn đề chính sách BHXH
Anh cho biết thời gian làm việc của anh ngắn nên việc giải quyết còn dễ dàng, nhiều trường hợp lao động nữ mang thai hoặc lao động lớn tuổi tại công ty muốn nghỉ việc hay hưởng các chính sách BHXH còn nhiêu khê hơn nhiều.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Công ty CP B.H (KCN Tân Bình, TP HCM). Công ty khan hiếm đơn hàng khiến đời sống công nhân chịu ảnh hưởng do thu nhập giảm sút, không chỉ vậy, doanh nghiệp đã nợ BHXH suốt 7 tháng qua. Điều này khiến những công nhân lớn tuổi, sắp đến tuổi nghỉ hưu lo lắng không yên bởi tình trạng khó khăn của công ty kéo dài suốt từ lúc dịch bệnh diễn ra và rất khó hồi phục.
Nhằm khắc phục nợ BHXH, nhất là các trường hợp bị treo quyền lợi do nợ dai dẳng, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách – Pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản số 1364 (ngày 31-5-2024) nhằm kiến nghị cơ chế giải quyết quyền lợi cho người lao động theo hướng dành một nguồn quỹ dự phòng để hỗ trợ cho người lao động bị nợ BHXH. Nguồn quỹ có thể được trích từ lãi suất tiền gửi hoặc lợi nhuận đầu tư từ quỹ BHXH.
Đăng thảo luận