Chiều 24/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.
Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, quy định hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế là cần thiết, song phải nghiên cứu kỹ hơn để tương đồng với Luật Bảo hiểm xã hội về trốn đóng bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam). Ảnh: QH
“Quy định như dự thảo luật hiện nay chưa thực sự chặt chẽ và dễ dẫn đến việc có thể sẽ ngay lập tức hình sự hóa hàng loạt, điều này không ổn, nhất là đối với người sử dụng lao động", bà Hiền cho hay.
Theo đại biểu, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã quy định hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội trên cơ sở quy định rất rõ quy trình đăng ký tham gia để quy định các hành vi liên quan đến các mốc thời gian đăng ký; đồng thời những hành vi liên quan đến thời hạn đóng thì phải kèm theo điều kiện đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định.
“Trong các trường hợp có lý do chính đáng thì không bị coi là trốn đóng bảo hiểm xã hội”, bà Hiền nêu.
Trước đó, trình Quốc hội sáng nay (24/10), Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho biết, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung đối tượng tham gia, trách nhiệm đóng bảo hiểm y tế để khắc phục bất cập và đồng bộ với Luật Bảo hiểm xã hội. Đồng thời, dự luật cũng sửa đổi, bổ sung hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế.
Cụ thể, dự thảo sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 Điều 49 theo hướng bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền bảo hiểm y tế chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng vào quỹ bảo hiểm y tế;
Dự thảo cũng quy định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật đối với hành vi chậm đóng; xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật đối với hành vi trốn đóng bảo hiểm y tế…
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh - cho biết, việc bổ sung quy định làm rõ khái niệm “chậm đóng bảo hiểm y tế”, “trốn đóng bảo hiểm y tế” và cụ thể hóa chế tài xử lý khi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm y tế là cần thiết, song cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng và lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động.
“Việc vận dụng quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội cần được tính toán kỹ và điều chỉnh phù hợp với lĩnh vực bảo hiểm y tế; bên cạnh đó, đề nghị nghiên cứu bổ sung hình thức cảnh báo, đôn đốc, thông tin, nhắc nhở các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm y tế cho người lao động trước khi áp dụng các biện pháp hành chính, hình sự”, bà Nguyễn Thúy Anh cho hay.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Phó đoàn Trà Vinh)
Cần nâng mức hỗ trợ hai nhóm đối tượng lên 50%
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Phó trưởng đoàn Trà Vinh) đề nghị xem xét, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho học sinh, sinh viên và hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp. Cụ thể, ông Vinh đề xuất mức hỗ trợ từ 30 lên tối thiểu 50% mức đóng để giảm bớt khó khăn cho các đối tượng này.
Ông Tuấn viện dẫn lý do, mặc dù đối tượng này đang được nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng, còn lại 70% người tham gia bảo hiểm y tế phải tự đóng, và tùy thuộc vào ngân sách của từng địa phương có thể hỗ trợ thêm. Tuy nhiên, theo ông, đa phần nhóm đối tượng này đều phải tự đóng 70% và mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở.
Tuy nhiên, vừa qua khi mức lương cơ sở tăng thêm 30% thì giá trị thẻ bảo hiểm y tế cũng tăng thêm 30%. Điều này đồng nghĩa với việc người tham gia bảo hiểm phải chi từ tiền túi của họ tăng thêm 30% so với trước đây, tương đương với 884 nghìn đồng/người/năm, thay vì trước đây chỉ mất 680 nghìn mỗi năm.
“Việc tăng lương cơ sở là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhưng hai nhóm đối tượng này không trực tiếp được hưởng lợi từ chính sách này, nhưng lại phải chi thêm tiền để mua bảo hiểm y tế. Việc này đã làm cho họ gặp khó khăn khi tham gia bảo hiểm y tế”, ông Tuấn cho hay.
Đại biểu đoàn Trà Vinh cho rằng, việc tăng mức hỗ trợ lên tối thiểu 50% như đề xuất vừa đạt mục tiêu bao phủ tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế, nhưng cũng vừa giảm bớt khó khăn cho đối tượng này.
“Tôi đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm đi khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời giao cho Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Có như thế mới thể hiện rõ quan điểm và đường lối của Đảng về bảo hiểm y tế”, ông Trần Quốc Tuấn nêu.
Thông tin mới vụ trục lợi bảo hiểm y tế ở Lâm Đồng 10/09/2024 Phó Thủ tướng yêu cầu ngăn chặn tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế 06/09/2024 Đề xuất sửa Luật Bảo hiểm y tế theo quy trình rút gọn 22/08/2024Xã hội
Miễn nhiệm chức Tổng Thư ký Quốc hội với ông Bùi Văn Cường
Xã hội
Ông Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư
Xã hội
Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Cuba vượt qua sự cố mất điện diện rộng
Xã hội
Thượng tướng Nguyễn Doãn Anh làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa
Xã hội
Đăng thảo luận