Bảy mô hình thí điểm của Đề án 1 triệu ha lúa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai tại 5 tỉnh, thành ĐBSCL bước đầu đạt kết quả khả quan
Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án 1 triệu ha lúa) đang mở ra triển vọng mới cho ngành nông nghiệp miền Tây. Với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất và chất lượng lúa gạo đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, đề án đã chứng minh hiệu quả qua các mô hình thí điểm.
Những số liệu thuyết phục
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), các mô hình giúp giảm chi phí, tăng năng suất, góp phần tăng thêm thu nhập đáng kể cho nông dân.
Trong đó, bình quân năng suất mô hình vụ hè thu năm 2024 đạt gần 6,5 tấn/ha - cao hơn khoảng 0,5 tấn/ha so với nơi khác. Bình quân các mô hình giảm 5 tấn CO2e (CO2 tương đương), lợi nhuận tăng cao hơn khoảng 4-7,5 triệu đồng/ha so với phương thức canh tác truyền thống.
Thu hoạch lúa tại mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa ở Sóc Trăng
Kết quả ước tính chi phí sản xuất lúa trên cánh đồng thực hiện mô hình so với đối chứng bên ngoài: tổng chi phí đầu vào giảm 10%-15%, lượng giống gieo sạ giảm 40%-50%, lượng phân bón đạm giảm 30%-40%, lượng nước tưới giảm 30%-40%, giá thành sản xuất 1 kg lúa giảm 7%-20% (giảm 252-822 đồng).
Hầu hết các mô hình đều được liên kết từ đầu vào đến đầu ra. Một số mô hình được các doanh nghiệp (DN) ký hợp đồng thu mua cao hơn bên ngoài từ 100-150 đồng/kg lúa.
Ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng, cho biết tỉnh triển khai thí điểm với 50 ha tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú) và 46 hộ tham gia. HTX thực hiện đúng yêu cầu mà Đề án 1 triệu ha lúa đề ra: cơ giới hóa đồng ruộng, sử dụng lượng giống 60 kg/ha - giảm 10 kg so với ngoài mô hình; giảm phun thuốc bảo vệ thực vật 4 lần và giảm lượng đạm trên 41%.
Việc đo đạc lượng khí phát thải cũng được thực hiện chặt chẽ. Từ đó, tổng chi phí sản xuất lúa trên diện tích áp dụng trong mô hình thấp hơn chi phí ngoài mô hình 20% nhưng lợi nhuận tăng 12%.
Nhân rộng nhiều địa phương
Từ kết quả đạt được, trong vụ đông xuân 2024-2025, TP Cần Thơ và các tỉnh Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp sẽ mở rộng diện tích thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa lên 3.344 ha. Năng suất bình quân dự kiến đạt gần 7,3 tấn/ha, với sản lượng khoảng 24.343 tấn.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh từ kết quả thí điểm vừa qua cũng như vụ đông xuân 2024-2025, các địa phương ĐBSCL sẽ mở rộng diện tích Đề án 1 triệu ha lúa lên 200.000 ha trong năm 2025. Hiện nay, nhiều địa phương gấp rút triển khai đề án này.
Trong đó, An Giang đã xuống giống 60 ha với 4 mô hình, mỗi mô hình 15 ha tại 4 huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Tri Tôn và Phú Tân. Ngoài mật độ gieo sạ 80 kg/ha, các khâu chăm sóc khác thực hiện theo "Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng ĐBSCL". Các mô hình đều có liên kết với DN.
Để nâng cao năng suất và chất lượng lúa gạo, giảm chi phí và hạ giá thành sản xuất, làm cơ sở triển khai nhân rộng, tiến tới tham gia Đề án 1 triệu ha lúa, Bạc Liêu đã lồng ghép mô hình khuyến nông với diện tích 5.000 m2. Địa phương sẽ áp dụng phương pháp sạ hàng, giảm phân, giảm thuốc theo "Quy trình kỹ thuật canh tác lúa giảm chi phí và nâng cao hiệu quả tại vùng ĐBSCL".
Tại Long An, một số HTX đã ký kết hợp tác với DN để liên kết sản xuất - kinh doanh nhằm xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp. Long An còn kêu gọi các DN khác cùng tham gia Đề án 1 triệu ha lúa...
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cần có chính sách hỗ trợ tín dụng dành cho DN tham gia Đề án 1 triệu ha lúa. Ông cũng đề xuất xây dựng nhãn hiệu riêng cho gạo giảm phát thải...
Những đề xuất này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong việc tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việc hỗ trợ tín dụng sẽ giúp DN có nguồn vốn đầu tư vào công nghệ và phương pháp canh tác tiên tiến. Trong khi đó, việc xây dựng nhãn hiệu riêng sẽ tạo ra sự khác biệt, thu hút người tiêu dùng quan tâm các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin Bộ NN-PTNT đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và một số tổ chức tài chính quốc tế để cung cấp vốn cho các bên tham gia Đề án 1 triệu ha lúa theo hình thức liên kết, tức giải ngân tín chấp. Bộ NN-PTNT cũng đã thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới trong vụ hè thu 2025 hoặc đông xuân 2025-2026 sẽ chi trả thí điểm khoảng 20 triệu USD từ Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi.
Cần sự đồng thuận, đồng hành
Theo Cục Trồng trọt, việc triển khai các mô hình thí điểm cũng gặp không ít khó khăn. Một vài thành viên HTX chưa nhận thức đầy đủ, chưa thực sự quyết tâm về việc tham gia thực hiện mô hình. Việc tuyên truyền Đề án 1 triệu ha lúa có lúc sai lệch về mục đích, ý nghĩa nên thiếu tập trung vào chuyên môn, kỹ thuật nhằm giảm chi phí, giảm phát thải. Thủ tục triển khai hỗ trợ vật tư thực hiện theo quy định đấu thầu nên rất phức tạp, còn nhiều vướng mắc...
Vì vậy, Cục Trồng trọt cho rằng các địa phương tham gia đề án cần tăng cường tuyên truyền, vận động và nêu rõ lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ khi thực hiện mô hình. Song song đó, cần lựa chọn những điểm xây dựng mô hình từ các HTX có kinh nghiệm, năng lực và nhiệt tình. Cần có sự đồng thuận của nông dân để thực hiện đúng quy trình sản xuất, cũng như sự đồng hành của DN trong chuỗi liên kết, từ sản xuất đến tiêu thụ.
Đăng thảo luận