“Không sợ khó, sợ khổ”
Chiều tối 13/9, 12 đoàn viên thanh niên huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lên xe, cùng 8 thành viên khác mang theo nhu yếu phẩm được huy động từ nhiều nguồn lực hướng về miền Bắc hỗ trợ bà con vùng lũ. Trong chuyến tình nguyện này, không chỉ là những thủ lĩnh đoàn dày dặn kinh nghiệm mà còn các đoàn viên trẻ đầy năng lượng, nhiệt huyết cùng tham gia.
Chị Mai Thị Huyền Trang – Bí thư Huyện Đoàn Kỳ Anh, cho biết, trước khi lên đường, các thành viên trong đoàn đã họp, lên phương án và chọn tỉnh Lào Cai – nơi chịu ảnh hưởng nặng nề trong đợt mưa lũ để đến tiếp tế nhu yếu phẩm, hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống.
Sau khi đặt chân đến, các thành viên trong đoàn bắt đầu bốc vác hàng hóa, chuyển nhu yếu phẩm đến với người dân xã Cam Đường, thành phố Lào Cai. Khi những món quà được trao tận tay, đoàn rời xe, tiếp tục mang nghĩa tình của người Hà Tĩnh di chuyển hướng đến huyện Bát Xát, nơi nhiều bản làng vùng sâu đang cần được hỗ trợ.
Các thành viên tham gia tình nguyện.
Hàng hoá được gùi phía sau lưng, ngược lên bản.
Chị Trang nhớ lại, để đến với xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, đoàn đã di chuyển trên con đường ngoằn nghèo, một bên là vực thẳm, bên kia vách đá cheo leo. Nhiều điểm sạt lở, đất đỏ phủ kín, di chuyển khó khăn, nhưng không vì thế mà tinh thần tình nguyện của những thành viên trong đoàn giảm đi.
Bản Pho, xã A Mú Sung hiện lên trước mắt. Nhà đổ sập trong bùn đất, núi sạt lở nham nhở, không cảnh bình yên vốn có trở nên tan hoang. Điều khiến nhiều người trong đoàn không cầm được lòng là có những gia đình mất đi 5 người thân, tài sản cuốn sạch. Thành viên trong đoàn nhanh chóng vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng hóa vào hỗ trợ bà con. Ngoài ra, đoàn còn trao tiền nhằm hỗ trợ người dân sớm ổn định lại cuộc sống.
Các thành viên trong đoàn hỗ trợ nhau vượt suối, mang nhu yếu phẩm vào bản Ngải Trồ.
“Sau khi trao quà ở bản Pho, chúng tôi nhận thông tin có bản Ngải Trồ, là vùng sâu, xa của xã A Mú Sung cũng bị thiệt hại nặng nề, giao thông bị chia cắt, cô lập hơn 1 tuần nay và chưa có đoàn nào đến hỗ trợ. Khi biết tin, anh em xác định phải tìm mọi cách để vào bản, bởi nơi đó bà con đang rất cần. Hầu như anh em tham gia tình nguyện đều không sợ khó, sợ khổ, chỉ sợ không giúp được gì cho người dân”, chị Trang nhớ lại.
Băng rừng, vượt suối gùi nhu yếu phẩm vào bản
Xác định để vào bản Ngải Trồ phải di chuyển đường bộ hơn 8km, lại gùi hàng phía sau lưng, khó khăn, nguy hiểm chực chờ, nên thủ lĩnh đoàn tính phương án cho những thành viên có đủ sức khỏe, tinh thần và xung phong cùng đi. Nhưng tất cả thanh niên trong nhóm đều "tôi xung phong....", không ai muốn dừng chân. Dưới sự hỗ trợ của bộ đội đóng tại địa bàn, họ bắt đầu lên đường.
Đường sạt lở, bùn đất ngập ngang đầu gối, nước suối chảy xiết nhưng không cản nổi tinh thần xung kích của thanh niên. Từng bước chân nặng trịch mang cả hy vọng, tình yêu thương vượt núi để đến với bà con ở bản.
Chặng đường tình nguyện vất vả, nhưng tinh thần vẫn luôn hăng say.
Suốt 4h men bộ theo đường rừng, mồ hôi đầm đìa, có thành viên mệt rã rời, nhưng mọi vất vả đó được đáp lại bằng nụ cười của những người dân ở bản.
"Vì đoàn đầu tiên vào bản hỗ trợ, khi nhìn thấy chúng tôi mang nhu yếu phẩm vào, nhiều người ở bản họ bật khóc trong vui mừng. Bởi gần 1 tuần bị cô lập, thiếu thốn nhiều thứ, họ mừng, ấm lòng khi được tặng quà, trao tiền hỗ trợ”, chị Trang chia sẻ.
Bản Ngải Trồ có hơn 40 hộ dân, trong đó có 19 hộ bị sạt lở ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế, cuộc sống. Tại đây, đoàn thanh niên huyện Kỳ Anh đã hỗ trợ nhu yếu phẩm và trao hơn 45 triệu đồng tiền mặt của nhà hảo tâm cho người dân ở bản. Hành động này như tiếp thêm sức mạnh, san sẻ khó khăn với những hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ.
Những món quà đầu tiên mà đoàn thanh niên mang đến giúp bà con dân bản sau mưa lũ.
Xúc động hình ảnh đoàn thanh niên vượt rừng, lội suối mang món quà đến hỗ trợ bà con khi trời xẩm tối.
Hoàng Sỹ Hùng (19 tuổi) là đoàn viên trẻ tuổi nhất, cũng là lần đầu tham gia chuyến tình nguyện hỗ trợ bà con vùng lũ. Kinh nghiệm không có, nhưng đổi lại chàng thanh niên có sức khỏe, ý chí, nhanh nhẹn ứng xử trong mọi tình huống. Hùng cho biết, đây là chuyến tình nguyện mang nhiều kỷ niệm đáng nhớ và rất ý nghĩa. Qua những hành động giúp người dân, bản thân trưởng thành hơn rất nhiều. “Để đến hỗ trợ người dân ở khu vực này, em cũng như những thành viên trong đoàn phải cố gắng rất nhiều. Ngoài vững về đôi chân, phải vững về tinh thần để có thể thực hiện được nhiệm vụ đặt ra”, Hùng chia sẻ.
Con đường dẫn vào bản Ngải Trồ ngập bùn đất.
Những bạn trẻ tham gia tình nguyện rời bản khi trời tối mịt, cung đường trở nên nguy hiểm hơn.
Rời bản Ngải Trổ cũng là lúc trời xẩm tối, những tia chớp đằng Đông xuất hiện. Nỗi lo hiện hữu trên gương mặt từng thành viên, bởi chỉ cần có một đợt mưa nhỏ, tiếp tục thêm điểm sạt lở, sẽ đe doạ đến tính mạng. Theo ánh đèn pin yếu ớt, từng bước chân bám chặt vào lớp đất đỏ để di chuyển xuống dốc. Nguy hiểm, vất vả nhưng mọi người vẫn động viên nhau, thật bản lĩnh để đảm bảo an toàn cho bản thân. Bởi những thành viên trong đoàn hiểu, khi mình an toàn, mới có thể đi giúp người, giúp đời.
“Kinh nghiệm đường rừng không có nhiều, lúc đó trở về cũng vui, nhưng khá căng thẳng vì chỉ cần sẩy chân một tí thôi cũng có thể rơi xuống vực. Đi trong đêm, ai cũng lo lắng, nhưng giờ đoàn về bình an, nghĩ lại lúc đó anh em nhiệt huyết, hăng say đúng tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên", Bí thư Huyện Đoàn Kỳ Anh chia sẻ.
Tình nguyện viên Bắc Ninh khắc phục hậu quả bão lũ 15/09/2024 Hàng vạn thanh niên Hạ Long ra quân làm sạch môi trường 15/09/2024 Thanh niên tình nguyện đất Tổ ra quân hỗ trợ khắc phục sau bão 14/09/2024 Tuổi trẻ Hải Phòng ngày đêm đắp đê ngăn lũ 14/09/2024Giới trẻ
Khai mạc Hội nghị Ban Thường vụ T.Ư Đoàn lần thứ 8, khoá XII
Giới trẻ
Trại huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ công tác Đội ở Lạng Sơn
Giới trẻ
Tình nguyện viên thay dầu, sửa xe máy miễn phí cho bà con vùng lũ lụt
Giới trẻ
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn làm việc với Chủ tịch Quỹ Giao lưu Quốc tế Hàn Quốc
Giới trẻ
Đăng thảo luận