M. là vận động viên thể hình, bà đam mê làm mẫu khoả thân, từng làm mẫu cho con trai vẽ. Với bà, đây là hành trình nghệ thuật đầy gian nan của cả người mẫu và hoạ sĩ.

Lời toà soạn

Tranh khỏa thân luôn có sự cuốn hút riêng với cả giới hoạ sĩ lẫn người thưởng lãm trong nhiều thế kỷ, nó đã xuất hiện ở nhiều trường phái, là một trong những chủ đề lớn của hội hoạ. Tuy nhiên, tại Việt Nam, khó khăn trong công tác quản lý, cấp phép, định kiến của công chúng, sự khác biệt văn hoá... là những lý do khiến loại hình nghệ thuật này vẫn quẩn quanh trong bóng tối. VietNamNet trân trọng giới thiệu loạt bài nêu lên ý kiến của những người trong cuộc với góc nhìn đa chiều về thực trạng, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ.

Vẽ khoả thân chưa bao giờ bị coi là cấm kỵ

Là người vẽ rất nhiều tranh khoả thân nhưng hoạ sĩ Nguyễn Hồng Tuấn mới “rón rén” trưng bày các tác phẩm ký hoạ trong triển lãm Mười Bốn mới diễn ra.

Theo anh, điểm lại lịch sử mỹ thuật thế giới và Việt Nam, đề tài vẽ khoả thân chưa bao giờ bị coi là cấm kỵ hay nhạy cảm, thậm chí từng có nhiều tác phẩm đỉnh cao của hoạ sĩ đi trước.

“Như một thói quen, tất cả hoạ sĩ đều nghiên cứu cơ thể người. Tại trường mỹ thuật, tiết học vẽ hay nặn tượng khoả thân chiếm thời lượng quan trọng đối với sinh viên. Không chỉ làm việc với người mẫu nữ trẻ đẹp, sinh viên còn vẽ mẫu là người già, em bé”, hoạ sĩ Hồng Tuấn chia sẻ.

'Chồng và con trai háo hức đi xem tranh khoả thân của tôi'  第1张 Vẽ người mẫu tên P.A. ở Mã Mây, hoạ sĩ Hồng Tuấn cảm nhận được sự lúng túng, mất phương hướng của người trẻ. 

Rất lâu không cầm cọ, quyết định quay trở lại với hội hoạ, Hồng Tuấn chọn ký hoạ khoả thân vì quan niệm khi vẽ thành thạo cơ thể người có thể vẽ được mọi thứ.

Không vẽ phụ nữ có đường cong tuyệt mỹ, Hồng Tuấn luôn có cảm hứng mỗi khi vẽ người mẫu mũm mĩm. Anh nhìn thấy tinh thần của họ ẩn sâu bên trong cơ thể.

“Khi tiếp cận với mẫu mũm mĩm và già, tôi nhìn thấy quá trình phát triển của họ. Dù thời gian có làm họ già, béo, đường nét thanh xuân vẫn còn đâu đó trên cơ thể. Những sồ sề, gập ghềnh vẫn cứ là cái đẹp của hội họa, cũng chính là cái đẹp của đời sống”- hoạ sĩ nói. 

Giống hoạ sĩ Hồng Tuấn, sau quá trình bận bịu với thiên chức làm mẹ, Dương Ngọc Lụa cũng chọn vẽ tranh khoả thân khi cầm cọ trở lại.

“Ký họa dáng rất quan trọng với một họa sĩ chuyên nghiệp. Qua nhiều năm làm việc và hoạt động nghệ thuật, tôi thấy cần có thêm thời gian để rèn luyện lại kỹ năng này thúc đẩy việc sáng tác. Vẽ mẫu khoả thân là chủ đề không thể bỏ qua trong nghệ thuật hội họa, nơi mà cấu trúc hình thể, sự chân thực và tinh thần tự do được đẩy lên cao, họa sĩ tập trung bắt dáng, bắt những khoảnh khắc rung động bằng kỹ thuật cá nhân”, hoạ sĩ Dương Ngọc Lụa chia sẻ.

Với chị, cơ thể con người là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, việc quan sát và ghi lại các trạng thái, cảm xúc của người mẫu tạo nên sự kết nối không lời. 

Là phái đẹp, vẽ tranh khoả thân phụ nữ, Dương Lụa chọn góc nhìn đi sâu vào con người của họ, từ sự mạnh mẽ, kiên cường đến những phút giây yếu mềm và mộng mơ. Mỗi bức tranh là một câu chuyện, một phần của tâm hồn và cảm xúc hoạ sĩ gửi gắm.

'Chồng và con trai háo hức đi xem tranh khoả thân của tôi'  第2张 Các hoạ sĩ làm việc tại xưởng vẽ của Dương Lụa. 

Vì thế, Dương Lụa mở xưởng vẽ TUDO Art Garden và mời một số họa sĩ tới cùng ký họa. Điều này mang lại cho chị nguồn năng lượng tích cực, cảm hứng sáng tạo và sự gắn kết nghệ thuật.

Không quá quan tâm xem người ngoại đạo nghĩ gì, với Dương Lụa, khi đứng trước người mẫu khoả thân, tất cả họa sĩ đều làm việc với tinh thần chuyên nghiệp cao, tôn trọng lẫn nhau và mong muốn tạo ra những tác phẩm đẹp đẽ, có giá trị.

“Mỗi mẫu sẽ có khoảng 20 phút ở một tư thế, chúng tôi tập trung vẽ. Trong khi đó, mẫu thả lỏng cơ thể, đưa cảm xúc thể hiện qua cái đánh mắt, hất cằm, kiễng chân, cách đan những ngón tay… tất cả đều là khoảnh khắc và hoạ sĩ phải tập trung cao độ”, Dương Lụa chia sẻ.

Trong cùng một không gian và điều kiện ánh sáng nhưng mỗi cá nhân với tư duy sáng tác độc lập luôn có những góc nhìn khác nhau. Bởi thế, ngay cả người mẫu cũng háo hức mong chờ được xem chính mình như thế nào qua tác phẩm của hoạ sĩ.

Để có tác phẩm khoả thân giàu tính nghệ thuật, hoạ sĩ phải rèn luyện 

PV VietNamNet có cơ hội được vào xưởng vẽ khoả thân của hoạ sĩ Dương Lụa. Các mẫu ở mọi lứa tuổi, trong nước và quốc tế, từ nhiều ngành nghề khác nhau. Họ coi đấy là công việc nghiêm túc, một trải nghiệm mới mẻ.

Không khí làm việc của các hoạ sĩ và mẫu không căng thẳng như mọi người vẫn đặt câu hỏi: “Các hoạ sĩ làm thế nào để thoát được ánh nhìn dung tục?”. 

Có 5 năm làm mẫu khoả thân, P.A thậm chí còn không khoác áo choàng sau 10 phút nghỉ để hoạ sĩ thay đổi bối cảnh. Cô vẫn khoả thân đi lại, nói chuyện, uống nước, gọi điện thoại… Các hoạ sĩ, trong quá trình vẽ luôn trêu đùa người mẫu, nói chuyện “trên trời dưới bể”.

Hoạ sĩ Duy Anh cho biết, mục đích của việc trò chuyện này để giảm bớt căng thẳng cho người mẫu cũng như hoạ sĩ có thể nắm bắt được tính cách của mẫu, từ đó truyền tải vào tác phẩm. Còn việc làm thế nào hoạ sĩ thoát được ánh nhìn dung tục để mang tới tác phẩm giàu tính nghệ thuật, đó là quãng đường rèn luyện nghề một cách nghiêm túc.

"Khi vẽ khoả thân, phải thống nhất ngay từ đầu nghệ thuật là nghệ thuật. Tôi không ngại ngùng khi vẽ tranh khoả thân mà chỉ quan tâm bức vẽ cuối cùng sẽ thế nào nên rất tập trung cho công việc, không còn thời gian cho những việc khác hay suy nghĩ vớ vẩn nữa", hoạ sĩ Duy Anh chia sẻ. 

'Chồng và con trai háo hức đi xem tranh khoả thân của tôi'  第3张 Tác phẩm của hoạ sĩ Duy Anh.

Hoạ sĩ Duy Anh thường sáng tác bắt đầu bằng những suy tưởng, tình cảm cá nhân, đề tài nhiều khi lấy theo các bậc thầy cổ điển, đôi khi từ câu chuyện riêng biệt của nhân vật hay người mẫu.

Trong lần đi thực tế để tìm cảnh quay cho bộ phim điện ảnh của một người bạn, hoạ sĩ Duy Anh và đạo diễn chở nhau bằng xe máy trên cung đường đèo, rừng cây rậm ở Đồng Văn (Hà Giang). Nhà cửa thưa thớt, các bản người Mông chỉ vài nhà lại cách nhau rất xa, khung cảnh cô tịch. Giữa không gian mờ ảo của sương giăng miền núi lúc chiều tối, anh bắt gặp một cô thiếu nữ H'Mông mình trần, mặc váy đi ngược chiều.

"Hình ảnh ấy đẹp một cách lạ thường. Đôi mắt trong sáng của người dân miền núi, sự tự nhiên vô tư trong khung cảnh âm u của buổi chiều tối tạo ra cảm giác ma mị, huyền ảo và rất quyến rũ. Hình ảnh đẹp cứ in mãi trong tâm trí tôi khi về Hà Nội. Sau dịp đó, tôi trở lại Hà Giang nhiều lần để tìm lại hình ảnh và cảm giác đó nhưng thật sự khó khăn. Đến giờ tôi vẫn tiếp tục theo đuổi hình ảnh ấy để xây dựng bức tranh Hồn núi", hoạ sĩ Duy Anh chia sẻ.

'Chồng và con trai háo hức đi xem tranh khoả thân của tôi'  第4张 Phác thảo khổ lớn cho tranh "Hồn núi" của hoạ sĩ Duy Anh (trích đoạn).

Làm mẫu khoả thân để cống hiến cho nghệ thuật

P.A chia sẻ, vốn là sinh viên một trường mỹ thuật, cảm nhận mình vẽ không đẹp nhưng đam mê nghệ thuật luôn cháy bỏng nên cô chọn cách làm mẫu khoả thân, lồng tiếng… để cống hiến theo một cách khác. 

"Người mẫu khỏa thân có lẽ là công việc gây tò mò bậc nhất bởi sự xa lạ ít nhiều với quan niệm người Á Đông, các scandal liên quan đến người mẫu và nghệ sĩ sáng tác càng khiến những người làm công việc này phải chịu nhiều thị phi, nghi ngại. Nhiều người nghĩ mẫu khoả thân chấp nhận phơi bày cơ thể vì quá túng thiếu, điều này không đúng", P.A bày tỏ.

P. A. luôn tự tin vì mình là người truyền cảm hứng sáng tạo cho các nghệ sĩ nên nhận được nhiều lời mời làm mẫu.

"Được học mỹ thuật nên đôi khi thấy hoạ sĩ bí ý tưởng, tôi sẽ trao đổi để có tư thế truyền cảm hứng hơn. Các hoạ sĩ rất thích làm việc với tôi vì tính chuyên nghiệp trong công việc nên hay đặt lịch mời vẽ riêng, thân tình lắm tôi mới nhận lời, còn đa phần sẽ nhận làm mẫu nhóm". 

Dù làm công việc yêu thích, bản thân nhận thấy không xấu nhưng P.A. cũng như đa phần nhiều mẫu khác, không dám chia sẻ điều này với người thân, bạn bè.

Từng bị sàm sỡ khi vẽ khoả thân 1- 1, song P.A cho biết đó chỉ là trường hợp vô cùng hãn hữu. Vì thế, cô không từ bỏ ước mơ nghệ thuật mà chỉ coi đó là một “tai nạn nghề nghiệp”, phải có bản lĩnh vượt qua. 

Vợ dẫn chồng và con trai đi xem tranh khoả thân của mình

M. là vận động viên thể hình, tập luyện nhiều nên cơ thể đã "vắt kiệt mỡ". Vì thế, gần như ngực của bà chỉ còn là "màn hình phẳng". Bà đam mê làm mẫu khoả thân, từng làm mẫu cho cả con trai vẽ. Với bà, đây là hành trình nghệ thuật đầy gian nan của cả người mẫu và hoạ sĩ.

"Chồng và con trai tới triển lãm trưng bày tác phẩm do tôi làm mẫu với tâm thế háo hức, thưởng thức nghệ thuật", bà M. chia sẻ.

Mời độc giả đón đọc bài 3: Nỗi niềm của nữ họa sĩ vẽ khỏa thân chính mình

'Chồng và con trai háo hức đi xem tranh khoả thân của tôi'  第5张 Ngắm ký họa phụ nữ nudeHọa sĩ Nguyễn Hồng Tuấn lần đầu trưng bày những ký họa phụ nữ nude bất kể lứa tuổi, hình thể béo hay gầy... trong triển lãm "Mười Bốn", gây ấn tượng với giới mộ điệu.