(NLĐO) - Thêm một điểm tương đồng bất ngờ khác với địa cầu đã được tìm thấy ở Titan, thế giới được NASA mô tả là "Trái Đất thứ 2".
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi Viện Công nghệ Massachusetts (MIT - Mỹ) vừa phát hiện ra bằng chứng quan trọng cho thấy hồ và biển lớn trên mặt trăng Titan có thể đã được hình thành bởi sóng, y hệt những gì xảy ra trên Trái Đất.
Titan là vệ tinh tự nhiên lớn nhất của Sao Thổ, kích thước thậm chí còn vượt qua Sao Thủy và to gấp rưỡi so với vệ tinh mang tên Mặt Trăng của hành tinh chúng ta.
Một "vùng đầm lầy" ở Titan, thế giới có bề mặt giống Trái Đất nhất - Ảnh đồ họa: NASA
Những năm qua, Titan nhận được sự quan tâm đặc biệt của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) bởi các hình ảnh mà tàu vũ trụ Cassini gửi về cho thấy bề mặt thế giới này có núi, sông, hồ, biển... không khác địa cầu.
Trong nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances, các nhà khoa học Mỹ đã tạo ra các mô phỏng để so sánh hồ và biển của Titan với các cấu trúc tương tự trên Trái Đất.
Các vùng hồ sâu và biển của Titan được cho là đã hình thành khi mức chất lỏng dâng cao làm ngập lụt một vùng đất có các thung lũng sông trải dài.
Các nhà nghiên cứu tập trung vào ba kịch bản có thể xảy ra tiếp theo: Không có xói mòn bờ biển, xói mòn do sóng, xói mòn đồng đều.
Xói mòn đồng đều là hiện tượng được thúc đẩy bởi sự hòa tan, trong đó chất lỏng hòa tan một cách thụ động vật liệu của bờ biển, hoặc một cơ chế trong đó bờ biển dần dần bong ra dưới sức nặng của chính nó.
Đăng thảo luận