Thời gian gần đây, tình trạng người dân dù không vay tiền, không bảo lãnh vay, thậm chí không quen biết người vay nhưng vẫn bị một số đối tượng gọi điện, nhắn tin đòi nợ "khủng bố" tinh thần tiếp tục xảy ra

Gọi điện thoại qua đường dây nóng Báo Người Lao Động, chị N.T.B (ngụ quận 3, TP HCM) bức xúc cho hay chị bị một số đối tượng liên tục gọi điện, nhắn tin đòi nợ dù không vay tiền, cũng không biết người nào vay.

Chị B. kể mới đây, khi chị đang nghỉ trưa thì có một cuộc điện thoại từ đầu số 0211… gọi đến hỏi có phải tên Tâm không. Chị bảo không phải. Đầu dây bên kia đề nghị người thân của chị trả một khoản tiền đã vay, nếu không sẽ "ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng" sau này… Liên tiếp sau đó, chị nhận rất nhiều cuộc gọi "khủng bố" đòi tiền.

Chị B. vừa chặn số điện thoại này thì số điện thoại 0931833xxx gọi đến. Đầu dây bên kia "xổ" một tràng: "Chào anh chị, người thân của anh chị có khoản vay. Nhờ anh chị hỗ trợ liên hệ, nhắc nhở người thân giải quyết để không ảnh hưởng đến lịch sử tín dụng sau này".

Chị B. tiếp tục chặn số vừa liên lạc. Thế nhưng, các đối tượng không từ bỏ, vẫn sử dụng số điện thoại khác nhắn tin với nội dung (nguyên văn): "Nhờ anh chị liên hệ gấp với Nguyễn Thị Tâm: NH đã gọi rất nhiều lần vẫn cố tính trốn tránh. Nhờ anh chị hướng dẫn rủi ro khi cố tình không trả và thực hiện nghĩa vụ theo cam kết trên hợp đồng và quy định của pháp luật. Cảm ơn anh chị"…

 Tái diễn kiểu đòi nợ "khủng bố" 第1张

Tin nhắn các đối tượng gửi đến chị B.

"Tôi không hề vay tiền, cũng không có người thân nào tên Tâm vay. Thế nhưng, các đối tượng đã dùng nhiều số điện thoại khác nhau và gọi điện bất kể thời gian nào. Việc này đã ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của tôi" - chị B. bức xúc.

Công an TP HCM khuyến cáo người dân khi bị gọi điện, nhắn tin đòi nợ, cần bình tĩnh hỏi rõ thông tin đơn vị đòi nợ, nhắc nợ; yêu cầu cung cấp chứng từ, hợp đồng, thông tin về việc vay nợ của mình (nên ghi âm cuộc gọi, lưu tin nhắn để làm bằng chứng). Ngoài ra, mọi người có thể sử dụng tính năng có sẵn trên điện thoại để chặn các cuộc gọi, tin nhắn làm phiền. Đối với trang Facebook, Zalo cá nhân, có thể khóa các bình luận của người lạ.

Theo luật sư Nguyễn Trung Hiếu, Giám đốc Công ty Luật Chân Thiện Mỹ, điều 170 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định: Người nào đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản thì có thể bị phạt tù với mức cao nhất lên đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hay toàn bộ tài sản.

Do đó, nếu bị làm phiền kéo dài hoặc bị đe dọa, khủng bố tinh thần qua điện thoại, người dân có thể trình báo cơ quan công an để có biện pháp xử lý kịp thời. Người dân tuyệt đối không cung cấp giấy tờ tùy thân, thông tin cá nhân, quan hệ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, nơi làm việc, sinh sống... cho đối tượng gọi điện đòi nợ.