Mặc dù yếu tố kích hoạt trượt lở chính là mưa, nhưng sau khi dừng mưa, độ ổn định của các sườn dốc vẫn còn rất thấp nên vẫn có thể xảy ra trượt lở bất cứ lúc nào. Thậm chí có nhiều trường hợp khi mưa tạnh, thời tiết nắng sau vài ngày nhưng vẫn xảy ra trượt lở đất đá do nền đất chưa được ổn định.
Do vậy chính quyền các cấp địa phương, đặc biệt là người dân cần đặc biệt chú ý, tránh chủ quan về nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá khi kết thúc đợt mưa.
Đó là cảnh báo của Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Trịnh Hải Sơn - sau khi các tỉnh miền Bắc vừa chịu tổn thất nặng nề sau hoàn lưu bão số 3 gây ra nhiều trận lũ lớn và sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng...
Yếu tố kích hoạt trượt lở, lũ quét
- Đầu tiên xin ông cho biết nguyên nhân dẫn đến những vụ sạt lở gần đây tại các địa phương, trong đó có các tỉnh Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái?
Viện trưởng Trịnh Hải Sơn: Nguyên nhân khiến các địa phương trên, đặc biệt là các tỉnh Yên Bái, Lào Cai trở thành “điểm nóng” sạt lở, lũ quét là do hội tụ các yếu tố địa hình, địa chất, cộng với sự kích hoạt mạnh do mưa từ hoàn lưu bão Yagi.
Yên Bái, Lào Cai nằm trên các đứt gãy lớn (hiện tượng địa chất liên quan đến quá trình kiến tạo vỏ trái đất) như các đứt gãy sông Hồng, Sông Đà, sông Mã… Trong đó hệ thống đứt gãy sông Hồng dọc theo Lào Cai, Yên Bái là đứt gãy lớn, kéo dài hàng nghìn km, chiều ngang có thể rộng 5-10 km, được hình thành hàng chục triệu năm, tái hoạt động nhiều lần. Các đứt gãy khiến nền đất bị nứt nẻ, dập vỡ, tạo điều kiện cho nước thấm, mềm, bở ra nhanh.
Địa hình của các tỉnh trên đa phần là núi đá có lớp phong hóa dày, ít rắn chắc và độ dốc lớn, gây nguy cơ trượt lở cao. Ngoài Lào Cai, Yên Bái, các tỉnh lân cận vùng như Sơn La, Lai Châu cũng có tính chất địa hình tương tự.
Đăng thảo luận