100 bức tranh đánh dấu sự hội ngộ của họa sĩ Ngô Đăng Hiệp cùng 4 học trò
(Dân trí) - Triển lãm "Gặp gỡ mùa thu" khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, kéo dài đến hết ngày 26/9.
Triển lãm trưng bày hơn 100 tác phẩm của họa sĩ Ngô Đăng Hiệp (ngoài 60 tuổi) và 4 học trò (đều bước sang cột mốc 40 tuổi) là Trần Trọng Đạt, Ngọc Ánh, Hà Văn Chúc, Đoàn Tuyên.
Khoảng 25 năm trước, khi còn là giảng viên tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, họa sĩ Ngô Đăng Hiệp đã gặp gỡ và truyền đam mê hội họa cho 4 học trò của mình.
Ra trường, 4 người học trò sống và làm việc cách xa nhau. Tuy mang những lo toan riêng nhưng họ luôn nuôi dưỡng niềm đam mê nghệ thuật.
Họa sĩ Ngô Đăng Hiệp (người thứ 2 bìa trái) cùng 4 học trò và giám tuyển trong buổi khai mạc triển lãm (Ảnh: Ban Tổ chức).
Họa sĩ Ngô Đăng Hiệp cho biết, trong ngày kỷ niệm 30 năm thành lập trường, ông đã gặp lại học trò Trần Trọng Đạt. Từ đây, thầy trò trao đổi và lên kế hoạch thực hiện buổi triển lãm chung. Sau đó, 3 người còn lại là Ngọc Ánh, Hà Văn Chúc, Đoàn Tuyên cũng mong muốn đóng góp vào triển lãm.
Chia sẻ cảm xúc khi hội ngộ với nhóm học trò cũ, ông bộc bạch: "Hơn 2 thập kỷ qua, thầy trò chúng tôi gần như chưa gặp lại hoặc chỉ liên lạc qua Facebook. Tôi tin, dù xa cách nhưng người thương quý nhau rồi sẽ được gặp lại, đó là cái duyên.
Tôi rất vui vì sau 25 năm các học trò vẫn dành sự trân quý cho mình như thời còn ngồi ở giảng đường. Thầy trò giờ mỗi người một nơi, có dịp hội ngộ thế này tôi vui lắm".
Bức tranh có tên "Xa rồi tuổi thơ" của họa sĩ Ngô Đăng Hiệp (Ảnh: Ban Tổ chức).
PGS-TS Phan Thanh Bình (Đại học Nghệ thuật Huế) nhận định triển lãm của nhóm 5 họa sĩ thuộc hai thế hệ, nhưng tác phẩm không thể hiện có sự cách biệt về tuổi tác.
"Các bức tranh khác nhau ở sắc màu với những nét mỹ cảm riêng lắng đọng và không khó để nhận diện mỗi người trong đó. Hơn nữa, mỗi người là một hướng đi, mỗi âm sắc, bút pháp và sự khác biệt, điều đó cho thấy những tìm kiếm sáng tạo là trăn trở, khắc khoải của cả cuộc đời để không dẫm theo lối mòn sẵn có nào đó", PGS-TS Phan Thanh Bình nói thêm.
Bức tranh "Giấc ngủ trưa" của họa sĩ Ngọc Ánh (Ảnh: Ban Tổ chức).
Nguyễn Thị Ngọc Ánh (SN 1977, Quảng Bình) - họa sĩ nữ duy nhất của nhóm - cho biết khi bắt tay vào vẽ, cô cứ để cảm xúc dẫn đường. Cô thường vẽ khá nhanh, không quá trau chuốt về hình và màu. Khi vẽ, nữ họa sĩ thường tập trung vào cảm xúc của mình và lấy nó làm yếu tố chính để thể hiện.
Với họa sĩ Trần Trọng Đạt (SN 1976, Hà Nội), điều đầu tiên khi nhìn vào một tác phẩm, màu sắc phải hấp dẫn, tiếp đến sẽ là hình mảng, ý tứ tác phẩm, kỹ thuật chuyển tải thông tin...
"Tôi luôn đặt cảm xúc lên cao nhất, chính vì vậy tôi vẽ nhanh, khi vẽ giống như ta đang chơi với ngôn ngữ (tạo hình, hội họa…) và được vẽ tôi thấy rất vui, vì được chơi, rất thoải mái", anh Đạt chia sẻ.
Tại triển lãm, nhóm họa sĩ cho biết sẽ dành một phần doanh thu từ việc bán tranh để đóng góp, chia sẻ khó khăn với người dân vùng bão lụt.
Đăng thảo luận