Thiếu doanh nghiệp dân tộc mạnh mẽ và phát triển, làm sao chúng ta hoàn thành các mốc thịnh vượng khi chỉ dựa vào doanh nghiệp FDI?
Chuyện từ một chuyến khảo sát
Một lần trước Covid-19, tôi có dịp tham gia đoàn khảo sát của công ty Samsung đi thăm một loạt doanh nghiệp sản xuất công nghiệp lớn đóng tại Hà Nội.
Lúc bấy giờ, Samsung đã trở thành nhà đầu tư FDI số một và doanh số của họ đã chiếm gần 1/5 – 1/4 giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, họ mới chỉ dùng được một vài loại sản phẩm nội địa, chủ yếu là bao bì của một vài doanh nghiệp Việt Nam; còn tuyệt đại đa số phụ tùng, linh kiện đều được nhập khẩu về để lắp ráp điện thoại.
Trước thực trạng đó, không ít người đã phàn nàn, Samsung đã không sử dụng linh kiện made in Vietnam.
Mục đích của đoàn khảo sát hôm đó là xem năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào với mong muốn đưa các sản phẩm của họ vào chuỗi sản xuất của công ty.
Tôi còn nhớ, lãnh đạo công ty Samsung xem xét từng chi tiết các dây chuyền sản xuất, hỏi han tỷ mỷ về sản phẩm và cách thức quản trị. Các doanh nghiệp Việt Nam hôm đó được Samsung xem xét để công nhận là nhà cung cấp cấp 2 hay 3 mà thôi chứ không phải là cấp 1 vốn đòi hòi những tiêu chuẩn còn khắt khe hơn nữa.
Tôi không biết có bao nhiêu doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát hôm đó trở thành nhà cung cấp của Samsung sau này, nhưng đến nay mới chỉ có 40 doanh nghiệp Việt Nam được Samsung chọn, theo Bộ Công thương. Có lẽ, đó là con số ít ỏi vì tuyệt đại đa số linh kiện vẫn được nhập khẩu về lắp ráp.
Còn với tôi, phát hiện lớn nhất trong chuyến đi là những công ty sản xuất công nghiệp lớn của Việt Nam được khảo sát có tuổi đời chỉ tầm 15-20. Tất cả các công ty đó chỉ được thành lập sau Luật Doanh nghiệp năm 2000 và chủ công ty từng là công chức hay bộ đội phục viên.
Nền sản xuất nội địa quặt quẹo
Kể dông dài một chút như vậy để thấy, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam còn non trẻ như thế nào! Ngay cả Thaco với tổ hợp sản xuất công nghiệp quy mô tầm cỡ khu vực hay thế giới cũng chỉ có tuổi đời 25 năm. Trong khi đó, những doanh nghiêp nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp đang mòn mỏi đi, bao gồm cả sự sụp đổ của Vinashin, Vinalines.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh giới thiệu nội dung Nghị quyết 29Có nói “đi tắt đón đầu” gì thì nói, nền sản xuất này mới chỉ vừa ra khỏi giai đoạn nông nghiệp tự cung tự cấp, phụ thuộc vào viện trợ được vài chục năm và hiện nay đang dần chuyển từ giai đoạn sản xuất đơn giản dưới sự hướng dẫn, chi phối của khu vực FDI để chập chững chuyển sang giai đoạn phát triển công nghiệp hỗ trợ dưới sự hướng dẫn của FDI.
Đó là mức rất thấp để tiến lên công nghiệp hóa, theo nhận xét của Bộ Công thương.
Trong nhiều ngành, các doanh nghiệp chỉ đơn giản là nhập khẩu nguyên vật liệu về gia công, lắp ráp. Thâm dụng lao động vẫn luôn được coi là lợi thế và đại đa số người lao động Việt Nam vẫn chỉ làm thuê ở đáy của chuỗi giá trị.
Trưởng ban Kinh tế trung ương Trần Tuấn Anh nói tại hội nghị phổ biến Nghị quyết số 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: nội lực của nền kinh tế còn yếu, năng suất lao động thấp và chậm được cải thiện, năng lực độc lập, tự chủ thấp, phụ thuộc nhiều vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài; khu vực kinh tế tư nhân trong nước chưa đáp ứng được vai trò là một động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá; doanh nghiệp nhà nước còn nhiều hạn chế;…
Ban Kinh tế Trung ương cho biết, khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động của hoạt động sản xuất của khu vực FDI và một số thị trường lớn. Việt Nam còn phải nhập khẩu hầu hết công nghệ, máy móc thiết bị, phụ tùng, nguyên liệu chính cho sản xuất công nghiệp; trên 70% máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp; giống một số loại cây trồng, vật nuôi còn phụ thuộc vào nhập khẩu, điển hình như 80% giống rau, hoa và 60% giống ngô…
Bên cạnh đó, công nghiệp phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, chưa tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn, công nghiệp hỗ trợ phát triển còn nhiều hạn chế, công nghiệp thông minh phát triển còn chậm.
Trụ cột FDI lớn mạnh
Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp FDI đã vươn lên dẫn đầu trong nền kinh tế.
Theo báo cáo Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 2021 do TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm chủ biên, tính đến cuối năm ngoái, Việt Nam đã thu hút được 408 tỷ USD với 35.527 dự án FDI còn hiệu lực, số vốn đã thực hiện 251,6 tỷ USD, đạt 62 % tổng vốn đăng ký.
Trong giai đoạn 2016-2020, tỷ trọng FDI trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt hơn 23%; tỷ trọng kim ngạnh xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước là 72%.
Trong giai đoạn 2011-2020, khu vực FDI đóng tới 28% tổng thu NSNN hàng năm; đặc biệt, khu vực FDI đã đóng góp phần lớn ngân sách các tỉnh Vĩnh Phúc (93,5%), Bắc Ninh (72%), Đồng Nai (63%), Bắc Giang (60%) và Bình Dương (52%).
Xin nêu ra những số liệu như trên để hàm ý rằng, khu vực FDI đã vươn lên mạnh mẽ đến nhường nào ở nền kinh tế Việt Nam.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói: “Chúng ta phụ thuộc quá lớn vào FDI cho tăng trưởng và phát triển mà không chú ý đúng mức đến doanh nghiệp trong nước”.
Cần xây dựng doanh nghiệp dân tộc lớn mạnh
Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành năm 2017 với mục tiêu có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020, nhưng rồi mục tiêu này không đạt được. Rất tiếc, đến nay chưa có báo cáo tổng kết, lý giải nguyên nhân thất bại trên.
Hình ảnh buổi lễ xuất khẩu xe ô tô điện VinfastGần đây, Nghị quyết 29 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nêu lên hàng loạt các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên như luyện kim, cơ khí chế tạo, hoá chất, năng lượng, công nghệ số cũng như nhiều ngành công nghiệp mũi nhọn như sản xuất rô bốt, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp…
Điều đáng mừng trong nghị quyết này là khu vực doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, được xác định là “động lực chính, chủ đạo” để thực hiện sứ mệnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Gần đây, khu vực doanh nghiệp trong nước đang đối mặt với rất nhiều khó khăn; nhiều doanh nghiệp đã giãn, hoãn việc cho công nhân; nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa; không ít doanh nhân chùng xuống… Xu thế này đáng báo động và cần được quan tâm xứng đáng nếu muốn nền kinh tế trở nên “độc lập, tự chủ”, muốn thực hiện thành công các mốc quan trọng 2030, 2045.
Thiếu doanh nghiệp dân tộc mạnh mẽ và phát triển, làm sao chúng ta hoàn thành các mốc phát triển đó khi chỉ dựa vào doanh nghiệp FDI?
Chúng ta phải có thêm nhiều những sản phẩm thương hiệu Việt Nam bán và cạnh tranh toàn cầu như xe điện của Vinfast, xe bus của Thaco, phần mềm của FPT, sữa TH Truemilk hay các sản phẩm khác.
Còn tôi hy vọng, đến lúc nào đó sẽ có cơ hội tham gia đoàn khảo sát của chính các doanh nghiệp Việt Nam đi tìm các nhà cung ứng cho mình, như đoàn Samsung đã tổ chức ngày nào.
Lời khuyên rút ruột cho Việt Nam trên chặng đường tới thịnh vượng“Công nghiệp hoá nghĩa là phải tự sản xuất được nhiều thứ để nền công nghiệp nước ta chuyển dịch lên cao hơn”.Tư Giang
Đăng thảo luận