Tôi là chủ tiệm xoa bóp khiếm thị hoạt động đã được nhiều năm, mang lại nguồn thu nhập cho hàng chục nhân viên khuyết tật.

Khoảng 5 tháng trước, một người xưng là Á hậu cuộc thi nhan sắc ở nước ngoài đã mở "spa khiếm thị" gần tiệm của tôi. Do chị này thiếu nhân viên nên nhiều lần gọi điện rủ, lôi kéo các nhân viên của tôi qua làm, hứa trả lương thưởng cao hơn. Một số thợ của tôi đã nghe theo nhưng chỉ làm được một thời gian ngắn thì nghỉ.

Vài ngày trước, chị này tiếp tục nhắn tin, gọi điện rủ nhân viên của tôi qua bên đó làm. Tôi bực tức có đăng lên mạng xã hội về sự việc "chơi không đẹp" này nhưng không nêu rõ tên tiệm spa kia, và tên chủ tiệm.

Ngay sau đó chủ tiệm spa đăng bài viết lên trang cá nhân có nội dung chê bai, bêu rếu tiệm của tôi (nêu rõ tên tiệm). Chưa dừng lại, mới hôm qua chị ấy đăng thêm một bài viết nêu rõ nội dung "Ghét đối thủ" nên giảm giá: 20% các dịch vụ cho khách của tiệm tôi (ghi rõ tên tiệm); 50% cho "khách mua liệu trình" của tiệm tôi. Điều kiện để áp dụng giảm giá là "xác thực được là khách và có mua liệu trình" của tiệm tôi. Các bài viết của chị này có rất nhiều người tương tác.

Hiện, phía bên đó liên tục đưa ra thông tin công kích cá nhân tôi, thậm chí nhắn tin đe dọa nhân viên của tôi (người đã báo cho tôi biết về việc bị lôi kéo). Tôi rất lo lắng vì uy tín của cá nhân và của tiệm bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những thông tin tiêu cực, sai sự thật do chủ tiệm spa phát tán trên không gian mạng, còn nhân viên của tôi thì sợ bị trả thù.

Xin hỏi, hành vi của chủ tiệm spa đã vi phạm pháp luật như thế nào? Tôi phải cầu cứu cơ quan, đơn vị nào để họ ngăn chặn, xử lý các thông tin sai sự thật về tiệm của tôi để tránh nguy cơ mất khách, phá sản; hàng chục nhân viên khiếm thị của tôi sẽ mất thu nhập nuôi sống bản thân và gia đình.

Độc giả Xuân Thanh

Luật sư tư vấn

Trên cơ sở các thông tin, hình ảnh mà chị cung cấp và đối chiếu với quy định pháp luật hiện hành, có thể thấy 2 dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Thứ nhất là hành vi cạnh tranh không lành mạnh của người xưng là Á hậu và doanh nghiệp do người này quản lý.

Việc người này liên tục lôi kéo, dụ dỗ nhân viên tiệm của chị bằng hành vi hứa hẹn mức lương cao hơn, sau đó sử dụng thông tin liên quan đến khách hàng của tiệm chị để tạo chương trình giảm giá nhằm thu hút khách hàng là có dấu hiệu vi phạm quy định tại khoản 6 Điều 3, Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018.

Tuy nhiên, để xác định hành vi mà người này và doanh nghiệp do người này quản lý thuộc vi phạm cụ thể nào theo Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 thì cần phải có các tài liệu, chứng cứ khác liên quan. Cụ thể, chị cần xác định, làm rõ và cung cấp được các tài liệu sau:

- Tư cách pháp lý khi thực hiện hoạt động kinh doanh của tiệm chị; ngành nghề kinh doanh của tiệm; chính sách quảng cáo, tiếp thị của tiệm; danh sách nhân viên (có xác lập quan hệ lao động với tiệm); danh sách khách hàng của tiệm; hành vi hứa hẹn mức lương cao hơn được thể hiện thông qua tài liệu cụ thể nào; tài liệu thể hiện những tổn thất, thiệt hại và nguy cơ bị thiệt hại đối với hoạt động kinh doanh của tiệm do hành vi mà người xưng là Á hậu và doanh nghiệp do người này quản lý gây ra.

Thứ hai, hành vi đăng tải các bài viết công khai trên mạng xã hội Facebook, Zalo để chê bai, bêu rếu tiệm của chị có dấu hiệu xâm phạm danh dự, uy tín của người khác theo quy định tại Điều 34 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Cạnh đó, hành vi này còn có dấu hiệu vi phạm quy định về trang thông tin điện tử theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

Đây là căn cứ để phát sinh việc xử phạt hành chính, bồi thường thiệt hại theo quy định Bộ luật Dân sự 2015 và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 nếu đáp ứng đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm.

Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, chị có thể liên hệ với các cơ quan chức năng sau, để họ ngăn chặn, xử lý:

Khi phát hiện bị người khác đưa thông tin không đúng trên các trang mạng thì cần nhanh chóng thực hiện các biện pháp để thu thập, lưu giữ tài liệu chứng cứ bằng việc nhờ thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận các bài đăng trên mạng xã hội, các lượt like, lượt comment; chụp lại hình ảnh bài đăng đồng thời làm đơn tố giác, đơn khởi kiện hoặc trình báo sự việc lên cơ quan có thẩm quyền như công an, tòa án có thẩm quyền để yêu cầu xác định rõ danh tính chủ thể đăng bài, qua đó yêu cầu xử lý theo quy định của pháp luật.

Cạnh đó, liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì cần chuẩn bị được các tài liệu, chứng cứ như luật sư đã phân tích ở trên để có cơ sở yêu cầu cơ quan chức năng (Thanh tra Sở Công thương) giải quyết.

Ngoài ra, nếu có căn cứ rõ ràng xác định người xưng là Á hậu có tham gia các cuộc thi, thì người này thuộc sự quản lý của một công ty quản lý cụ thể. Trường hợp này, chị có thể liên hệ đơn vị quản lý của chủ tiệm spa để cung cấp thông tin, phản ánh về sự việc và yêu cầu họ có phương án xử lý.

Luật sư Võ Đan Mạch

Công ty Luật TNHH Ta Pha