21 tỉnh, thành phố còn lúng túng, băn khoăn về triển khai bảng giá đất theo Luật Đất đai 2024 đã có cuộc làm việc với Bộ Tài nguyên -Môi trường (TN&MT). Mục đích là nhận thức thống nhất hơn về phương pháp, cách làm, để xây dựng bảng giá đất mới, sau hơn một năm nữa.

Bộ Tài nguyên -Môi trường làm việc với 21 địa phương về điều chỉnh bảng giá đất  第1张 Chiều 14-10, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã chủ trì cuộc làm việc của Bộ TN&MT với 21 địa phương về điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật Đất đai 2024.

Bảng giá đất là nội dung quan trọng, có những điều chỉnh lớn theo Luật Đất đai 2024, được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ về tài chính đất đai.
Nhưng cũng vì tác động lớn mà luật mới quy định chỉ áp dụng một cách đồng bộ từ 1-1-2026. Còn trong thời gian chuyển tiếp thì bảng giá đất do UBND cấp tỉnh đã ban hành cho giai đoạn 2020-2024 theo quy định của Luật Đất đai cũ vẫn được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31-12-2025. Đồng thời trường hợp cần thiết, các địa phương có thể quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của luật mới cho phù hợp với tình hình thực tế trên địa bàn.
Dù được linh hoạt như vậy, nhưng thời gian qua, nhiều địa phương vẫn lúng túng. Chính vì vậy, chiều 14-10, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân đã chủ trì cuộc họp giữa với 21 tỉnh, thành phố có nhu cầu trao đổi, tháo gỡ.
Qua ý kiến của các địa phương và phân tích, lý giải của các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ TN&MT, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đã đi đến một số kết luận về nguyên nhân của những vướng mắc, lúng túng này.
Trước hết là vì Luật Đất đai 2024 có những cải cách mạnh mẽ mà địa phương cần thời gian mới theo kịp. Luật mới phân cấp, phân quyền rất mạnh, giao nhiều nội dung trước đây thuộc thẩm quyền của Trung ương cho các tỉnh, thành chủ động quy định, áp dụng trên địa bàn. Trong khi các địa phương đều hạn chế về nguồn nhân lực, thời gian, kinh nghiệm.
Tháo gỡ khó khăn khách quan này, Thứ trưởng Bộ TN&MT đề nghị lãnh đạo các địa phương cần tập trung hơn nữa trong chỉ đạo các cơ quan tham mưu xây dựng và ban hành các văn bản theo thẩm quyền Luật Đất đai 2024 quy định và theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Về khó khăn, lúng túng trong việc triển khai điều chỉnh bảng giá đất trong giai đoạn chuyển tiếp, cũng như định mức kinh tế, kỹ thuật để lập dự toán ngân sách nhà nước phục vụ công tác định giá đất, ông Ngân nhấn mạnh đây là thẩm quyền của UBND.
Nếu các địa phương thấy bảng giá trên địa bàn đang ổn định, áp dụng tốt, không ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội… thì có thể giữ nguyên.
Còn trong trường hợp các địa phương thấy cần thiết phải điều chỉnh giá đất tại một số vị trí, đối tượng, loại đất, hoặc điều chỉnh tổng thể bảng giá đất thì điều chỉnh nhưng phải đảm bảo trình tự, thủ tục của Nghị định 71/2024 và quy định của Luật Đất đai 2024.
Về xác định giá khởi điểm đất đấu giá, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho hay Luật Đất đai mới quy định đối với khu vực đã được đầu tư xây dựng hạ tầng thì áp dụng bảng giá đất để xác định giá đất khởi điểm. Và cấp tỉnh hoàn toàn có quyền điều chỉnh cục bộ nếu thấy vị trí nào đó theo bảng giá đất hiện hành còn đất thấp, không phù hợp.
"Nếu không điều chỉnh bảng giá đất sẽ dẫn tới hiện tượng lợi dụng như đầu cơ, thao túng giá thông qua việc đẩy giá cao, thổi giá và bán lại ngay để thu lợi hoặc tạo mặt bằng giá ảo đối với các khu vực xung quanh; thậm chí sau khi đấu giá một số đối tượng chưa nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy chế đấu giá, bỏ cọc” – ông Ngân phân tích.
Lợi dụng đấu giá đất để đầu cơ, thổi giá, bỏ cọc là vấn đề mà các địa phương đang phải đối phó với lực lượng thị trường. Vậy nên, theo Thứ trưởng Lê Minh Ngân, đề nghị các địa phương cần cẩn trọng khi xây dựng phương án đấu giá đất, đồng thời có thể một áp dụng một số các biện pháp cần thiết, theo quy định của pháp luật để hạn chế các biểu hiện tiêu cực này.
(Theo PLO)