Trong xã hội có quan niệm khá phổ biến cho rằng “phú quý sinh lễ nghĩa”, giàu có sinh ra xa xỉ và hoang phí. Quan niệm này không hề sai bởi quan sát thực tế cuộc sống, ta dễ nhận ra điều này.

Khi đủ đầy vật chất, thậm chí là thừa, người ta dễ coi thường vật chất và hoang phí nó. Tuy nhiên, cũng chính quan niệm có tính thường thức này làm cho đa số mọi người mất cảnh giác với lối sống của chính mình và gia đình.

Trên thực tế, không phải chỉ các gia đình, các cá nhân giàu có mới có lối tiêu dùng, sinh hoạt hoang phí. Trong rất nhiều trường hợp, chính các gia đình chưa thoát nghèo, hoặc chỉ có đời sống vật chất khá hơn một chút so với mức nghèo cũng hoang phí.

Quan sát cuộc sống xung quanh hoặc nhìn lại lối sống của chính mình, gia đình mình bạn sẽ nhận ra điều đó. Người chưa giàu cũng có thể sống xa xỉ, hoang phí khi không quản trị tốt đời sống của gia đình hay của cá nhân mình.

Chưa giàu đã hoang phí và xa xỉ  第1张 Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ: Thạch Thảo.

Biểu hiện của lối sống xa xỉ, hoang phí rất đa dạng. Đó có thể là lối tư duy “no dồn, đói góp”, bình thường thiếu thốn không có gì ăn, đến khi có thì ăn uống linh đình khiến thức ăn thừa mứa, hư hỏng và cơ thể phải hấp thụ một lượng lớn chất dinh dưỡng có hại cho cơ thể.

Đó cũng là quan niệm “đói ngày giỗ cha no ba ngày Tết” với mâm cao cỗ đầy chỉ để trưng bày cho sang hoặc thỏa mãn khi nhận được lời khen của người khác. Kết quả là sử dụng lãng phí nguồn lực vật chất của gia đình và phung phí khi không sử dụng hết thức ăn đúng hạn, đúng cách.

Chuyện hoang phí của những nhà chưa giàu cũng thường gắn với tâm lí sĩ diện, muốn dùng hình thức bên ngoài, các công cụ, phương tiện vật chất để đổi lấy sự quan tâm, ngưỡng mộ, thán phục, tôn trọng của người xung quanh.

Xuất phát từ tâm lí tự ti về vật chất người ta dễ nảy sinh thói quen tiêu dùng hoang phí cho lối ăn, mặc, ở hào nhoáng, học đòi kiểu “trưởng giả học làm sang” mà không xuất phát từ nhu cầu thực tế và điều kiện cụ thể của bản thân và gia đình. Kết quả là những ngôi nhà đẹp đẽ, to lớn mọc lên nhưng bên trong trống rỗng, nhiều căn nhà xây bỏ dở giữa chừng để lại cho chủ nhân một khoản nợ khổng lồ chưa bao giờ mới có thể trả hết.

Những chiếc xe hơi đẹp đẽ được mua nhưng ít khi được sử dụng và không được sử dụng hiệu quả. Những chiếc điện thoại đắt tiền không bao giờ được sử dụng hết công năng hoặc không tương xứng với điều kiện, tình trạng kinh tế của chủ nhân.

Nếu bạn là thanh niên, khi đọc những dòng này, các bạn hãy nhìn lại xem mình đang dùng điện thoại gì và quan sát bạn bè xem họ đang dùng điện thoại nào. Có phải là rất nhiều thanh niên là con của các gia đình có kinh tế bình thường hoặc còn đang khó khăn nhưng hiện đang sử dụng những chiếc điện thoại xịn nhất, đắt tiền nhất, mốt mới nhất không?!

Khi còn ở Nhật và đi làm phiên dịch cho các công ty có sử dụng lao động người Việt, một lái xe người Nhật đã bày tỏ với tôi sự kinh ngạc khi thấy gần như 100% các thực tập sinh người Việt (ở ta hay gọi họ là người đi xuất khẩu lao động) mua và sử dụng các điện thoại thông minh rất sang trọng, đắt tiền như Iphone. Khi nghe anh nói tôi mới giật mình để ý quan sát, so sánh và nhận ra quả đúng là như vậy, điện thoại các bạn đó dùng tốt hơn, đẹp hơn, đắt tiền hơn cả giám đốc, chủ tịch tập đoàn, công ty mà các bạn đang làm thuê cho họ. Đấy là điều rất đáng suy nghĩ.

Tôi cũng là người tiếp cận được hồ sơ của các thực tập sinh, là người trò chuyện thường xuyên với họ nên cũng biết được đại khái hoàn cảnh xuất thân, điều kiện kinh tế của nhiều người. Đa số họ không phải con cái của các gia đình giàu có. Rất nhiều gia đình đã phải vay nợ một khoản tiền lớn từ ngân hàng, người quen, họ hàng thậm chí là vay lãi ngày từ những người cho vay nặng lãi để con mình được sang Nhật lao động với hi vọng con sẽ kiếm được tiền gửi về cải thiện điều kiện kinh tế của gia đình.

Như vậy, ta thấy thói ham mê vật chất quá độ, và lối suy nghĩ cho rằng chỉ cần mình dùng đồ sang trọng, đắt tiền là giành được sự kính nể của người xung quanh đã quay ra phản tác dụng. Người Nhật có thói quen không bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ cá nhân ra trước người lạ, người làm cùng công ty… nên có thể các bạn trẻ kia vẫn thấy bình thường nhưng thật ra khi chứng kiến sự tiêu dùng xa xỉ này ít nhiều họ sẽ có một đánh giá tiêu cực về giá trị quan và lối sống của các bạn trẻ.

Khi trở về Việt Nam và giảng dạy tại các trường đại học và cao đẳng tôi cũng kinh ngạc khi thấy sinh viên sử dụng điện thoại rất đắt tiền. Nếu như đó là sinh viên sinh ra lớn lên trong các gia đình giàu có không nói làm gì, đằng này những ngôi trường tôi dạy là những trường thu hút rất đông sinh viên đến từ vùng nông thôn, miền núi, nơi có điều kiện kinh tế còn khó khăn.

Sẽ rất kinh khủng nếu chúng ta làm một phép so sánh giữa số tiền các bạn đó bỏ ra mua chiếc điện thoại đó với số tiền mà bố mẹ các bạn đó thu được khi bán thóc, bán khoai hoặc số tiền một ngày công lao động mà bố mẹ các bạn đó nhận được.

Lối sống coi trọng ăn nhậu cũng là một vấn đề lớn kìm hãm người ta trong nghèo đói. Dân gian có một câu nói chí lý dù không phải khi nào cũng đúng là “giàu ham việc, nghèo đói ham ăn”. Trong đời sống người ta dễ động lòng trắc ẩn, có sự cảm thông, bao dung, đồng cảm với người yếu thế, người nghèo khó, đó là chuyện thường tình và là thường thức trong xã hội loài người.

Tuy nhiên, nếu nhìn thẳng vào sự thật, các bạn và tôi cũng phải công nhận một điều rằng không phải khi nào nghèo khó cũng đi kèm với chăm chỉ, tự trọng và có chí tiến thủ. Đôi khi, trong nhiều trường hợp nó lại song hành với sự trụy lạc, mất phương hướng và bế tắc. Giàu có sống xa hoa với tiệc tùng đã là điều không tốt nhưng chưa giàu hay đang sống trong nghèo khó mà say sưa với ăn nhậu triền miên là điều rất dở và đáng trách.

Sinh ra và lớn lên ở một ngôi làng nghèo, sau đó suốt thời đi học tôi lại phải lăn lộn tự lập kiếm sống. Vì vậy, tôi đã chứng kiến thói quen ăn nhậu của chính những người không lấy gì làm giàu có. Họ thường xuyên ăn uống, nhậu nhẹt say sưa. Thói quen sinh hoạt này ngấm vào bản thân từ nhỏ, sự thiếu thốn phương tiện giải trí lành mạnh, thiếu nền tảng văn hóa và tư duy minh triết trong nhìn nhận cuộc sống… là những yếu tố đã đẩy rất nhiều người chưa thoát nghèo vào lối sống này.

Những cuộc ăn nhậu đó không chỉ bào mòn kinh tế gia đình, làm lãng phí sức khỏe, thời gian, làm nhụt đi ý chí tiến thủ trong cuộc sống mà còn gây ra nhiều hệ lụy khác như chứng nghiện rượu, bạo lực và thói bê tha trong sinh hoạt đời thường.

Nguyễn Quốc Vương

Chưa giàu đã hoang phí và xa xỉ  第2张 Người Việt chúng ta cần viết nhiều hơn nữaKhi nhìn thấy các cụ hưu trí làm thơ, khi nhìn thấy nhiều người bỏ tiền ra tự in sách... có cảm giác người Việt ta ham viết, sách vở người Việt bây giờ in nhiều thật.