'Toàn làm những chuyện tào lao. Nào là đánh mông, đi chân không trên hoa hồng đã cắt gai, bắn dây thun…' là chia sẻ của bạn đọc, trước thông tin một nhóm huấn luyện đào tạo đội ngũ bằng cách bắn dây thun vào cổ tay.
Một người vừa kéo giãn dây thun bắn vào cổ tay người đối diện, vừa nói lớn: "Mày không xứng đáng làm người đứng đầu. Mày là một đứa không nỗ lực. Tại sao đội nhóm của mày không trung thực…" - Ảnh: YẾN TRINH chụp màn hình
Dù giải thích đó là cách truyền cảm hứng và động lực hoàn thành chỉ tiêu (KPI), nhưng đa số bạn đọc cho rằng cách bắn dây thun này phản cảm, gây đau đớn cho người tham gia.
Bắn dây thun: Kiểu huấn luyện lạ đời
Một số bạn đọc thắc mắc tại sao những người tham gia lại để người huấn luyện bắn dây thun vào cổ tay mình đến mức đỏ ửng - Ảnh: YẾN TRINH chụp màn hình
Cụ thể trong clip hot rần rần trên mạng xã hội, một phụ nữ vừa kéo dãn dây thun bắn vào cổ tay người đối diện vừa nói lớn: "Mày không xứng đáng làm người đứng đầu. Mày là một đứa không nỗ lực. Tại sao đội nhóm của mày không trung thực?…".
Người kia khóc, nhăn mặt, người ngồi xem bên dưới cũng ôm mặt khóc nức nở.
Dưới bài viết 'Truyền cảm hứng bằng cách... bắn dây thun vào nhau, ứng xử doanh nghiệp kiểu gây hại', bạn đọc Ly Nguyen Khanh thẳng thắn nêu quan điểm:
"Thật sự phản khoa học. Muốn giàu thì hãy nhìn vào gương các doanh nhân nổi tiếng mà học hỏi.
Và nhìn ông thầy dạy làm giàu kiểu bắn thun này xem ông ấy giàu chưa, thành công đến mức nào mà đi dạy".
Đáp lời, anh Tan Nguyen hóm hỉnh: "Mấy thầy dạy làm giàu thì rất giàu do nghề đi dạy làm giàu đó bạn. Càng nhiều người mơ mộng hão huyền thì mấy thầy càng giàu". Bạn đọc Lucifer nói: "Có những điều không dừng lại ở mức mù quáng, mà phải gọi là ngốc nghếch".
Truyền cảm hứng bằng cách... bắn dây thun vào nhau, ứng xử doanh nghiệp kiểu gây hạiĐỌC NGAY
Độc giả thie***@gmail.com tỏ ra ngán ngẩm: "Thời buổi giờ cũng lắm chiêu trò vậy ta? Thế ra, kiếm được đồng tiền công đâu chỉ cần giỏi chuyên môn và cần cù. Mà còn phải giỏi cảm hứng... tai hại".
Đi làm mà trúng doanh nghiệp có kiểu huấn luyện bắn dây thun thế này cũng là điều đáng suy nghĩ. Vì vậy, chị Kathy Hoàng chốt hạ: "Tôi phải lên tra ngay để xem đó là doanh nghiệp nào, đặng còn né".
Tương tự, bạn Cửu Ngũ đồng tình: "Cảm hứng gì? Các bạn trẻ phải cảnh giác với các doanh nghiệp có văn hóa như thế này".
Mặt khác, một số bạn đọc thắc mắc tại sao những người tham gia lại để người huấn luyện bắn dây thun vào cổ tay mình đến mức đỏ ửng, có lẽ là bị thao túng tâm lý. Anh Nguyễn Tuấn Lộc thắc mắc: "Thế mà có người chịu và chấp nhận mới ghê".
"Chẳng hiểu thời buổi này còn có những trò lạc hậu như thế mà lại xảy ra với những con người của thời đại. Đúng là không hiểu nổi", bạn đọc Trantue ngán ngẩm.
Tại sao gây đau đớn cho người khác?
Đa số bức xúc của bạn đọc khi theo dõi clip trên, đó là tại sao lại chấp nhận chơi trò bắn dây thun gây đau đớn cho người khác như thế.
"Dù có giải thích thế nào, mục đích của việc này ra sao thì việc gây đau đớn cho người khác cũng là hành vi xâm phạm thân thể người khác. Có người sẽ nói bởi các bạn kia tự nguyện nhưng xin nói luôn đó là kiểu "tự nguyện bắt buộc", tài khoản ngoc***@gmail.com nhận định.
Bạn đọc còn cho rằng hành động bắn dây thun, phán xét chưa làm tốt… là sự công khai sỉ nhục. Anh Kenny bức xúc: "Đây là hành vi mang tính sỉ nhục, đừng biện minh bằng bất cứ lý do gì".
Đồng tình, anh Minh Hiếu cho rằng đây là kiểu huấn luyện gây ảnh hưởng lệch lạc cho nhiều người.
Bắn dây thun để… truyền cảm hứng: Bác sĩ bất ngờ vì hành động ‘dại dột’ĐỌC NGAY
Tài khoản Lê Hiền Quân cho rằng dù đội ngũ kinh doanh có đề ra quy định gì chăng nữa, thì "tất cả các quy định đều phải đặt dưới quy định của pháp luật, nếu vi phạm đều bị xử lý".
Anh Hiệp nhận định đây là những hành động lạ lùng. "Cổ tay là nơi có mạch máu lớn đi qua, nên việc liên tục dùng dây thun bắn vào là không nên", anh viết.
Tài khoản Trantue cho biết chưa từng thấy kiểu huấn luyện bắn dây thun như vậy. "Coi clip không chấp nhận kiểu quy tắc bắn dây thun như thế. Tôi cũng làm ở doanh nghiệp. Có bao giờ doanh nghiệp tôi ra những quy tắc trời ơi đất hỡi đó.
Làm gì cũng phải có lợi cho người lao động, chứ đâu kiểu giống trừng phạt, tra tấn như vậy".
Dưới hình thức huấn luyện đội ngũ này, bạn đọc lấy tên Lão Gàn chia sẻ rằng anh ở gần một khu khách sạn có khuôn viên rất rộng nên đã chứng kiến nhiều chương trình huấn luyện kiểu tương tự. "Chỉ thương cho những người trẻ tham gia vào đó", anh chia sẻ.
Tuy nhiên, anh Thanh Tùng có cách nhìn khác: "Chúng ta là người ngoài, không nên tò mò hay phán xét họ. Trừ khi người trong cuộc họ lên tiếng phản đối, hay họ có làm điều gì vi phạm pháp luật".
Có làm thì mới có ăn…
Bạn đọc cho rằng thành quả là do phấn đấu, nỗ lực trong công việc, cuộc sống, bồi đắp kiến thức chuyên môn… "Nếu không làm mà muốn có ăn thì đã lỗi thời rồi", bạn đọc Bánh Bao nhắn nhủ.
Lời của bạn đọc Nguyen Kim Ha cũng là một điều đáng suy ngẫm về hiệu quả của những buổi huấn luyện như thế này: "Rồi sau khi buổi huấn luyện kết thúc, chị chị em em ôm nhau khóc hồi nãy vội vàng phủi áo đứng dậy.
Quay mặt đi mỗi người một hướng, như chưa từng có cuộc... biểu diễn!".
Đăng thảo luận