Chưa hết năm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đã đầy đơn hàng tới cuối năm, thậm chí có doanh nghiệp đang đàm phán đơn hàng cho quý 1-2025.

Dệt may có đơn hàng tới đầu năm 2025  第1张

Đơn hàng trở lại nhưng khó khăn vẫn bủa vây ngành dệt may - Ảnh: Q.A.

Xuất khẩu dệt may đạt 44 tỉ USD năm 2024

Trái với tình trạng "đói" đơn hàng giai đoạn này năm ngoái, năm nay Công ty TNHH may mặc Dony tại TP.HCM đang hối hả sản xuất, công nhân liên tục tăng ca để kịp hoàn thành những đơn hàng cho dịp cao điểm cuối năm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Quang Anh, giám đốc Công ty TNHH may mặc Dony, cho biết đến nay Dony đã kín đơn hàng đến quý 4-2024 và đang đàm phán các đơn mới kéo dài đến tháng 3-2025. "Khoảng 70 - 80% đơn hàng quý 1-2025 đã được chốt. Đặc biệt, doanh thu tháng 8 của công ty tăng tới 51% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả kinh doanh năm 2024 có thể đạt mức tăng 30%, gấp đôi mục tiêu ban đầu là 15%", ông Quang Anh vui vẻ cho biết.

Với lợi nhuận tăng, ngoài các chế độ lương thưởng thông thường, công ty dự định tổ chức tiêm vắc xin phòng cúm cho toàn thể cán bộ nhân viên và hỗ trợ tiêm phòng HPV cho nữ nhân viên cấp cao.

Trong khi đó, Công ty CP dệt may - đầu tư - thương mại Thành Công (TCM) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng. Theo báo cáo mới nhất, doanh thu lũy kế tám tháng đầu năm 2024 đạt hơn 107 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023, tương đương 68% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế của công ty tăng mạnh 35%, đạt hơn 8 triệu USD, vượt 118% so với kế hoạch đề ra.

Ngoài việc xuất khẩu các sản phẩm truyền thống, lãnh đạo TCM cho hay doanh nghiệp đang tích cực mở rộng danh mục sản phẩm thân thiện với môi trường và có giá trị cao nhằm gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm. Công ty cũng đang tìm cách khai thác thêm thị trường tiềm năng để đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt, phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may thêu đan TP.HCM, cho biết hiện nay các doanh nghiệp trong hiệp hội đều đã đầy đơn hàng tới cuối năm, thậm chí có doanh nghiệp đã có đơn hàng tới quý 1 năm sau.

Số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cũng cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong tám tháng đầu năm 2024 đã vượt mốc 28 tỉ USD. Để đạt mục tiêu 44 tỉ USD cho cả năm, toàn ngành cần đạt trung bình khoảng 4 tỉ USD mỗi tháng từ nay đến cuối năm. Với tình hình khả quan thời gian gần đây, hiệp hội đánh giá khả năng đạt được mục tiêu này rất cao do nửa cuối năm là thời điểm cao điểm cho đơn hàng và sản xuất dịp Noel và Tết Nguyên đán.

Cơ hội từ giảm lãi suất

Dệt may là một trong những ngành sản xuất công nghiệp chủ lực đang có nhiều thuận lợi trong hoạt động xuất khẩu. Bởi sau khi Fed hạ lãi suất 0,5% vào đầu tháng 9 khi lạm phát của Mỹ, EU có xu hướng giảm, điều này giúp kích thích tiêu dùng ở hai thị trường lớn tiêu dùng hàng xuất khẩu dệt may của Việt Nam với kỳ vọng các đơn hàng sẽ được cải thiện trong thời gian tới.

Cùng với đó, các yếu tố thiên tai, bất ổn chính trị, bất cập về chính sách ở một số quốc gia cạnh tranh tiếp tục là cơ hội cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam đón đơn hàng dịch chuyển. Cùng với các yếu tố về mùa vụ, lễ hội và dịp cuối năm, các chính sách giảm giá, kích thích tiêu dùng của các hãng cũng sẽ mang tới mùa mua sắm cuối năm nhộn nhịp hơn. Mặt khác, giá cước vận tải tiếp tục có xu hướng giảm, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

Ông Lê Tiến Trường, chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), đánh giá việc Fed cắt giảm lãi suất giúp cho tâm lý tiêu dùng của người dân Mỹ tích cực hơn do chi phí vay thấp hơn, giảm tác động của lãi suất thẻ tín dụng, cũng như thúc đẩy niềm tin vào nền kinh tế. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thường có tác động chậm (thay đổi lãi suất cần vài tháng để chuyển hóa tác động toàn bộ vào nền kinh tế) dẫn tới áp lực lên tiêu dùng dự kiến vẫn kéo dài đến hết năm 2024.

Dự kiến, các đơn hàng sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu tiêu dùng Mỹ cải thiện vào dịp mua sắm mùa lễ hội song đơn giá chưa cải thiện. Ông Trường nhận định nhu cầu và đơn giá chỉ thực sự cải thiện từ năm 2025 trong kịch bản tốt.

Vẫn chưa hết khó khăn

Ông Vũ Đức Giang, chủ tịch VITAS, nhận định sự gia tăng đơn hàng chủ yếu do chuyển dịch từ các quốc gia khác sang Việt Nam, không phải do nhu cầu thị trường tăng. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng phát triển công nghệ và sản xuất xanh, bền vững như sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm nước và giảm phát thải.