Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc trình hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường vành đai 4 TP.HCM.
Tuyến đường vành đai 4 TP.HCM (màu xanh) dài 207km - Ảnh: Sở GTVT TP.HCM
Theo đó, tại văn bản ngày 6-9, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan, địa phương liên quan để xem xét kiến nghị của UBND TP.HCM về việc trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 4 TP.HCM, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15-9.
Để kịp thời trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án, Thủ tướng giao bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND TP.HCM khẩn trương hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án theo quy định, kịp thời trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đồng thời, Thủ tướng cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay mặt Chính phủ có văn bản gửi Tổng thư ký Quốc hội để đăng ký nội dung trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Bộ Giao thông vận tải có ý kiến về thiết kế vành đai 4 TP.HCM dài 207kmĐỌC NGAY
Vành đai 4 TP.HCM là dự án đường bộ lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ từ trước đến nay đi qua 5 địa phương gồm: TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Con đường có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối giao thông và phát triển kinh tế.
Tại công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể đường vành đai 4 TP.HCM cách đây vài hôm, UBND TP.HCM cho biết đường vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài gần 207km. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 136.593 tỉ đồng.
Trong giai đoạn 1, dự án vành đai 4 TP.HCM sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch được duyệt, đồng thời đầu tư xây dựng 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh kèm làn dừng khẩn cấp rộng 3m trên toàn tuyến.
Cùng với đó, tuyến đường song hành và đường dân sinh hai bên tuyến sẽ được đầu tư tùy theo nhu cầu giao thông tại từng đoạn, khu vực, đặc biệt ở những nơi có khu đô thị, khu dân cư.
Vành đai 4 TP.HCM được thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), trong đó nguồn vốn ngân sách trung ương dự kiến gần 42.554 tỉ đồng, còn vốn ngân sách địa phương khoảng hơn 33.584 tỉ đồng.
Về dự kiến kế hoạch phân bổ vốn ngân sách, giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 16.026 tỉ đồng, giai đoạn 2026-2030 cần khoảng 59.582 tỉ đồng.
Chiều dài và nguồn vốn các đoạn qua 5 địa phương của con đường lớn nhất vùng Đông Nam Bộ - Lập bảng: ĐỨC PHÚ
Đăng thảo luận