Sở Y tế TP HCM ghi nhận gần 20% nhân viên y tế có dấu hiệu trầm cảm, gần 23% gặp tình trạng lo âu và hơn 14% đối mặt với căng thẳng.
Thông tin được bác sĩ Bùi Nguyễn Thành Long, Phó Phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP HCM, chia sẻ tại hội thảo sơ kết các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, ngày 11/10. "Nhóm này cần can thiệp, hỗ trợ chuyên nghiệp", bác sĩ nói.
Khảo sát được thực hiện từ tháng 12/2023 đến tháng 5/2024, trên 382 nhân viên y tế từ 18 đến hơn 60 tuổi, đang làm việc tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân ở TP HCM. Kết quả cho thấy nhân viên y tế tại tuyến quận huyện có nguy cơ trầm cảm cao hơn tuyến thành phố, tư nhân và trường đại học. Nhân viên y tế tuyến công lập có nguy cơ trầm cảm, lo âu và căng thẳng cao hơn các đơn vị tư nhân. Nhóm nhân viên trẻ tuổi (18-39 tuổi) làm việc tại cơ sở y tế tuyến quận huyện có nguy cơ căng thẳng cao.
Nghiên cứu cũng cho thấy khi gặp vấn đề sức khỏe tâm thần, nhân viên y tế có xu hướng tự giải quyết vấn đề hơn là tìm kiếm sự hỗ trợ. Sự hiểu biết, nhận thức về sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế còn thấp. Nhiều người không tin việc nói chuyện với nhà trị liệu tâm lý là cách hiệu quả để giải quyết vấn đề. Hầu hết nhân viên y tế tập trung tự chăm sóc thể chất như ăn đúng bữa, ngủ đủ giấc, tập thể dục, yoga..., hơn là tập trung vào nhận diện cảm xúc.
Theo bác sĩ Long, hiện nay có 3 rào cản lớn đối với chăm sóc sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế. Thứ nhất là định kiến xã hội, nhiều nhân viên y tế không muốn các vấn đề sức khỏe tâm thần của mình bị ghi lại trong hồ sơ cá nhân, lo lắng người quen biết tình trạng của mình. Thứ hai là thái độ của bản thân nhân viên y tế muốn tự mình giải quyết vấn đề của bản thân và nghĩ rằng vấn đề có thể sẽ tự tốt dần lên. Rào cản thứ ba là nhiều người không biết có thể nhận hỗ trợ chuyên nghiệp về chăm sóc sức khỏe tâm thần ở đâu, cũng như không đủ khả năng chi trả cho dịch vụ này.
Trước tình hình trên, Sở Y tế TP HCM đề xuất các giải pháp như chính sách cải thiện thu nhập tăng thêm cho nhân viên y tế. Cơ sở y tế xây dựng phòng thư giãn cho nhân viên tại nơi làm việc, có những lớp chia sẻ kiến thức sức khỏe tâm thần miễn phí.
Ở góc độ cá nhân, nhân viên y tế cần tìm đọc các tài liệu đáng tin cậy về những phương pháp điều trị rối loạn tâm thần, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ tâm lý ngoài giờ hành chính. Ngoài ra, mỗi người cần dũng cảm chủ động tìm kiếm sự trợ giúp khi gặp vấn đề khó khăn về sức khỏe tâm thần.
Điều trị bệnh nhân tại bệnh viện tuyến cuối ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần
Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho rằng hệ thống y tế muốn đạt được chất lượng tốt thì cần nhân viên y tế khỏe mạnh cả thể chất lẫn tâm thần. Trong khi đó, nhóm này thường đối mặt với nhiều áp lực nặng nề, gánh nặng trong công việc dẫn đến căng thẳng, lo âu.
Từ đầu năm ngoái, Sở Y tế đã triển khai kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, với các hoạt động như tổ chức các lớp tập huấn, mở rộng mạng lưới cấp cứu trầm cảm, lập phòng thư giãn tại nơi làm việc... Mới đây, Sở ban hành 10 khuyến cáo triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần, hạn chế thấp nhất hội chứng kiệt sức về thể chất và sức khỏe tâm thần ở nhân viên y tế.
Hiện, TP HCM đã lập bản đồ dịch vụ tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người, trong đó có nhân viên y tế. Khi quét mã QR, bản đồ sẽ hiển thị và đường đi đến các phòng khám, bệnh viện, tổ chức, đơn vị tâm lý chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Phòng "sạc lại" cho nhân viên y tế tại Bệnh viện Bình Chánh. Ảnh: Sở Y tế TP HCM
Theo bà Susan Burns, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP HCM, nhân viên y tế là cốt lõi của sức khỏe cộng đồng vì hàng ngày họ dành nhiều thời gian để chăm lo sức khỏe người khác mà đôi khi quên đi sức khỏe của bản thân. Bằng chứng quan sát cho thấy rất rõ nếu có thể chăm sóc thật tốt cho sức khỏe nhân viên y tế thì lúc đó họ mới có sự hài lòng về công việc, cũng như sẽ xây dựng sự vững mạnh của hệ thống y tế, từ đó nâng cao sức khỏe cả cộng đồng.
Lê Phương
Đăng thảo luận