Thừa Thiên - HuếHai em bé 4 tuổi và 8 tuổi, bị tan máu bẩm sinh, vừa được Bệnh viện Trung ương Huế ghép tủy đồng loại thành công.
Ghép tủy đồng loại là sử dụng tế bào gốc tạo máu từ người thân cùng huyết thống hoặc người không cùng huyết thống truyền cho người bệnh. Kỹ thuật này khác với ghép tế bào gốc tự thân, là sử dụng tế bào gốc tạo máu của chính người bệnh (được thu gom và lưu trữ), sau đó được truyền lại cho người bệnh.
Hai em bé trên là ca ghép tủy đồng loại đầu tiên tại khu vực Miền Trung - Tây Nguyên. Bệnh viện Trung ương Huế là bệnh viện thứ ba, sau Bệnh viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Bệnh viện Nhi Trung ương, thực hiện kỹ thuật ghép tủy đồng loại cho trẻ bị tan máu bẩm sinh.
"Thành công trong kỹ thuật đánh dấu bước ngoặt lớn, đem lại cơ hội cho trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh được khỏe mạnh, không còn bị lệ thuộc truyền máu", Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hoa, Phó trưởng Khoa nhi Ung bướu - huyết học - ghép tủy, Bệnh viện Trung ương Huế, nói hôm 7/10, thêm rằng kỹ thuật này cũng là niềm hy vọng cho trẻ mắc những bệnh khác như suy tủy, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, ung thư tái phát.
Bệnh nhi được bác sĩ chăm sóc tại viện. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Hai bệnh nhi đều ở Đà Nẵng, gồm Trần Viết Thiện, 4 tuổi, được phát hiện bệnh tan máu bẩm sinh từ năm hai tuổi, và bé Phạm Lê Hoàng Vương, 8 tuổi, chẩn đoán tan máu bẩm sinh từ lúc 17 tháng tuổi. Cả hai bé hàng tháng phải vào bệnh viện Sản Nhi Đà Nẵng để truyền máu.
Để điều trị khỏi, cách duy nhất là ghép tế bào gốc. Đây là phương pháp hiệu quả cao, giúp điều trị khỏi một số bệnh máu lành tính như suy tủy xương, đái huyết sắc tố, tan máu bẩm sinh. Nếu không ghép, cuộc sống của hai bé sẽ gắn liền với bệnh viện do thường xuyên phải truyền máu hàng tháng. Sau một thời gian dài, trẻ nguy cơ gặp các biến chứng ứ đọng sắt trên cơ thể gây suy tim, xơ gan...
Tuy nhiên, chi phí một lần ghép tế bào gốc khá cao, trong khi tiền nằm phòng cách ly, vô khuẩn không được bảo hiểm y tế chi trả. Gia đình hai bé đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thu nhập chỉ vài triệu đồng một tháng, không đủ chi trả.
May mắn, Thiện và Vương được chương trình Mặt trời Hy vọng (Quỹ Hy vọng - VnExpress) hỗ trợ một phần chi phí truyền tế bào gốc. Kết quả xét nghiệm HLA - kháng nguyên bạch cầu bệnh nhi hoàn toàn tương thích với chị gái ruột. Hai bé được chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế để ghép tủy đồng loại.
Đầu tháng 9, sau 40 ngày dùng hóa chất diệt tủy, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã thu thập tế bào gốc tủy xương ở chị ruột hai cháu và truyền trực tiếp cho bệnh nhi. Quá trình truyền diễn ra trong 4 tiếng, với hỗ trợ của Giáo sư Lawrence Faulkner, hội Hồ sơ người hiến tủy xương ở Đức (DKMS), của chuyên gia Italy. Các bé được điều trị theo phác đồ điều kiện hóa chất mới nhất ở Việt Nam, giảm độc tính, giảm chi phí và đạt hiệu quả tối ưu.
"Đây là kỹ thuật khó, bệnh nhân gặp rất nhiều thách thức như thải ghép, nhiễm trùng nặng, xuất huyết", bác sĩ Hoa nói.
Các bác sĩ thực hiện kỹ thuật ghép tế bào gốc cho bệnh nhi. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Sau ghép, bé Thiện gặp biến chứng hiếm gặp là xuất huyết phế nang lan tỏa, may mắn nhờ phát hiện kịp thời nên được điều trị hồi phục hoàn toàn. Bé Vương bị biến chứng sốt giảm bạch cầu hạt, nhiễm trùng nhẹ, nhanh chóng hồi phục.
Hiện tại, hai bệnh nhi sức khỏe ổn định, xuất viện hôm nay.
Bệnh tan máu bẩm sinh là nhóm gồm nhiều loại bệnh lý di truyền khác nhau, đặc điểm là không có hoặc giảm sản sinh huyết sắc tố bình thường gây thiếu máu hồng cầu nhỏ, ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất, tinh thần. Lúc 20-30 tuổi, việc tăng tạo máu ngoài cơ thể khiến bệnh nhân đau nhức xương. Kỹ thuật ghép tế bào gốc đồng loại giúp bệnh nhân khỏe mạnh, không còn lệ thuộc truyền máu, phát triển tốt về thể chất và tinh thần.
Với mục tiêu thắp lên niềm tin cho bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh tật, Quỹ Hy vọng kết hợp với Ông Mặt trời triển khai chương trình Mặt trời Hy vọng. Thêm một sự chung tay của cộng đồng là thêm một tia sáng gửi tới thế hệ tương lai của đất nước. Độc giả có thể xem thông tin chương trình tại đây.Thúy Quỳnh
Đăng thảo luận