Dự và chủ trì hội nghị có ông Hoàng Tùng - Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang; ông Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang.
Cùng tham dự hội nghị còn có bà Trần Vân Hồng, đại diện cho Tổ chức Earth Care Foundation – Nhà tài trợ cho dự án; ông Nguyễn Thế Thi – Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang và hơn 100 đại biểu từ 8 huyện, 18 xã của tỉnh Bắc Giang.
Ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Nông dân Bắc Giang rất phấn khởi, đây là nền tảng cơ bản nhất để Hội Nông dân Bắc Giang triển khai nhân rộng mô hình. Ảnh: Khương Lực
Canh tác lúa thân thiện với môi trường năng suất lúa tăng từ 20-30%
Với sự tài trợ của tổ chức EarthCare Foundation và các đối tác, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tiếp tục thực hiện dự án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam" do Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm chủ dự án. Thời gian thực hiện dự án từ tháng 4/2023 đến tháng 9/2024. Dự án được triển khai thực hiện tại 18 xã trên địa bàn 8 huyện của tỉnh Bắc Giang.
Báo cáo tóm tắt kết quả triển khai thực hiện Dự án, bà Phan Thị Thu Hiền - Chánh Văn phòng Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Dự án đã tổ chức 54 lớp tập huấn tại 18 xã triển khai dự án về kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường cho trên 1.000 lượt hội viên nông dân tham gia. Các lớp tập huấn tập trung vào việc cung cấp kiến thức lý thuyết và thực hành tại ruộng về 3 kỹ thuật: tưới ướt khô xe kẽ, sử dụng rơm rạ đúng cách và bón phân hợp lý.
Lãnh đạo Ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, đại diện nhà tài trợ, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, Sở NNPTNT tham quan khu trưng bày các sản phẩm được sản xuất, chế biến từ lúa canh tác theo phương pháp thân thiện với môi trường. Ảnh: Khương Lực
Về kết quả xây dựng mô hình, Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở hướng dẫn xây dựng 36 mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn 18 xã, phường gồm: Lương Phong, Thái Sơn (Hiệp Hòa); Tân Trung, Phúc Sơn (Tân Yên); An Thượng, Hồng Kỳ, Tân Hiệp (Yên Thế); Vĩnh An, Cẩm Đàn (Sơn Động); Đào Mỹ, Nghĩa Hưng, Nghĩa Hòa (Lạng Giang); Tư Mại, Xuân Phú (Yên Dũng); Bảo Sơn, Bảo Đài (Lục Nam); Hương Mai, Tự Lạn (thị xã Việt Yên). Quy mô thực hiện 2 sào/mô hình; mức hỗ trợ 1 triệu đồng/mô hình.
Các mô hình áp dụng triệt để 3 kỹ thuật trong canh tác lúa thân thiện với môi trường là: Sử dụng 100% phân vi sinh; tưới nước đúng kỹ thuật; sử dụng rơm rạ đúng cách.
So sánh với ruộng đối chứng, diện tích lúa áp dụng các kỹ thuật trên có bộ rễ phát triển mạnh, cây cứng khỏe, khả năng chống lại sâu bệnh tốt, đẻ nhánh khỏe hơn, năng suất lúa tăng từ 20-30%. Đặc biệt giảm chi phí canh tác, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ môi trường.
Sau khi triển khai dự án tại 18 xã, ngoài các mô hình điểm, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc đã nhân rộng trên 3.600 ha áp dụng 3 kỹ thuật ( trong đó gần 7.000 ha áp dụng ít nhất 1 kỹ thuật) canh tác lúa thân thiện với môi trường với trên 70.000 nông dân tham gia; trong đó 2.427 ha áp dụng kỹ thuật xử lý rơm rạ đúng cách; 3.919 ha áp dụng bón phân hợp lý; 2.630 ha áp dụng tưới ướt khô xen kẽ.
Ông Hoàng Tùng - Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, bà Trần Vân Hồng, đại diện cho Tổ chức Earth Care Foundation – Nhà tài trợ cho dự án trao kỷ niệm chương cho ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang; ông Lê Bá Thành - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Khương Lực
Hỗ trợ kết nối tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa, gạo thân thiện với môi trường
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang Lã Văn Đoàn khẳng định, dự án đã góp phần tác động tích cực lên nhiều mặt: Kinh tế, xã hội, môi trường.
Cụ thể về mặt kinh tế: Qua đánh giá, diện tích lúa áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường với diện tích lúa ruộng truyền thống cho thấy bộ rễ phát triển mạnh hơn; cấy lúa khoẻ hơn; cứng cây; khả năng chống lại sâu bệnh tốt hơn; khả năng đẻ nhánh khoẻ; tỉ lệ hạt chắc trên bông và số bông hữu hiệu trên khóm tăng; giúp năng suất cao hơn từ 20 - 30%.
Việc chuyển sang canh tác lúa thân thiện với môi trường giúp chi phí canh tác giảm. Cụ thể: giảm lượng giống (từ 1,5 - 2kg/sào xuống còn 0,7 - 1kg/sào), giảm lượng phân hóa học 20 - 30%; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 50%, giảm lượng nước (30%).
Bên cạnh hiệu quả có được từ cắt giảm chi phí, năng suất lúa canh tác thân thiện với môi trường tăng từ 7 - 8 tạ/ha, giúp tăng hiệu quả kinh tế 9 – 10 triệu đồng/ha.
"Nông dân Bắc Giang rất phấn khởi, đây là nền tảng cơ bản nhất để Hội Nông dân Bắc Giang triển khai nhân rộng mô hình" - ông Lã Văn Đoàn nói.
Về mặt xã hội, theo ông Lã Văn Đoàn, kết quả thành công của các mô hình đã khẳng định được vai trò của Hội Nông dân các cấp trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, không ngừng nâng cao đời sống vất chất, tinh thần cho nông dân, được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao.
Dự án triển khai đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người nông dân từ canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa đáp ứng các nhu cầu về dinh dưỡng của cây.
Dự án đã thu hút trên 70.000 nông dân chuyển từ canh tác lúa truyền thống sang canh tác lúa thân thiện với môi trường (đạt 100% kế hoạch) với tổng diện tích trên 7.100 ha (đạt 142% kế hoạch). Đa số các hộ đã thực hiện tốt kỹ thuật sử dụng rơm rạ đúng cách (hạn chế tối đa việc đốt rơm rạ sau thu hoạch); giảm phân đạm; quản lý nước theo từng giai đoạn phát triển của lúa.
Về mặt môi trường: Hướng tới mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững, Dự án đã giúp người trồng lúa quản lý nước theo nhu cầu từng giai đoạn phát triển của cây lúa; giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm phân bón hóa học, không đốt rơm rạ giúp giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, góp phần phát triển nền nông nghiệp sinh thái, nông dân hiện đại, nông thôn văn minh.
Ông Lã Văn Đoàn cho biết: "Dự kiến cuối tháng 9 này, Hội Nông dân tỉnh sẽ trình Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2025 – 2030". Ảnh: Khương Lực
Chia sẻ kinh nghiệm thực hiện mô hình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang cho biết: Dự án đạt kết quả nổi bật như trên vì Bắc Giang triển khai nhiều giải pháp, cách làm mới.
"Trước tiên, dự án được thực hiện phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp của tỉnh; nhận được sự quan tâm, ủng hộ cao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Hằng năm, tỉnh đều cấp ngân sách đối ứng để triển khai, nhân rộng mô hình.
Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tuyên truyền, tập huấn, xây dựng mô hình điểm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, hình thành vùng sản xuất hàng hóa; tuyên truyền, vận động thông qua các tổ nhóm nông dân.
Đặc biệt, Hội Nông dân tỉnh tổ chức hội thi tìm hiểu, tuyên truyền về canh tác lúa thân thiện với môi trường theo hình thức sân khấu hóa, tạo sức lan tỏa rộng khắp. Cùng đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện dự án quan tâm, bố trí kinh phí hỗ trợ"- ông Lã Văn Đoàn cho biết.
Ông Lã Văn Đoàn vui mừng chia sẻ "Dự kiến cuối tháng 9 này, Hội Nông dân tỉnh sẽ trình Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang phê duyệt Đề án "Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2025 – 2030". Đề án được phê duyệt sẽ làm tiền đề, nền tảng rất tốt để Hội Nông dân nhân rộng diện tích canh tác lúa thân thiện với môi trường trên toàn tỉnh Bắc Giang".
Ông Hoàng Tùng - Phó Trưởng ban Đối ngoại và Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và ông Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang trao kỷ niệm chương cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc thực hiện Dự án. Ảnh: Khương Lực
Bên cạnh nguồn lực nội tại, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang mong muốn được tiếp tục thực hiện Dự án "Tuyên truyền vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường" tại tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, làm tiền đề, nền tảng để nhân rộng diện tích canh tác lúa thân thiện với môi trường trên toàn tỉnh; đồng thời, đảm bảo tính bền vững của Dự án; trong đó, Hội Nông dân tỉnh dự kiến tập trung vào 3 nội dung sau:
Thứ nhất: Hỗ trợ tổ chức thêm 10 lớp đào tạo khoa học hành vi cho cán bộ cấp ủy, chính quyền, cán bộ hội nông dân, nông dân nòng cốt ở 203 cơ sở hội trong toàn tỉnh, để trực tiếp làm giảng viên tập huấn, tuyên truyền viên trong vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại địa phương.
Thứ 2: Hỗ trợ kết nối tiêu thụ, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm lúa, gạo thân thiện với môi trường nhằm nâng cao giá trị cho sản phẩm, tạo động lực cho các hội viên, nông dân chủ động chuyển sang canh tác lúa thân thiện với môi trường.
Thứ 3: Tạo điều kiện để cán bộ, hội viên nông dân tỉnh Bắc Giang được tham dự các cuộc hội thảo, hội nghị cấp khu vực và quốc tế để học hỏi, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong canh tác lúa thân thiện với môi trường, cách thức xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm xanh.
Nhân dịp này, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang trao tặng Kỷ niệm chương cho 60 cá nhân có đóng góp tích cực; Ban Quản lý dự án lúa tỉnh Bắc Giang tặng Giấy chứng nhận cho 8 tập thể, 26 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện dự án.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận