Mới đây tại TP.HCM, một phụ nữ sau khi va chạm giao thông đã đột ngột ngất xỉu, co giật. Tại cơ sở y tế, các bác sĩ cho hay do nạn nhân bị hạ canxi máu khi gặp sự cố bất ngờ dẫn đến ngất xỉu, co giật.

Hạ canxi máu, bệnh lý dễ đột ngột ngất xỉu, co giật  第1张

Cảnh sát giao thông dùng xe đặc chủng đưa nạn nhân vào Trạm Y tế xã Phạm Văn Hai để sơ cứu - Ảnh: CACC

Sau va chạm xe máy, chị L.T.T.P. ngất xỉu, co giật do tụt canxi. May mắn thời điểm này hai cán bộ cảnh sát giao thông huyện Bình Chánh, TP.HCM kịp thời phát hiện và đưa đi cấp cứu.

Tại Trạm Y tế xã Phạm Văn Hai, cán bộ y tế thông tin nạn nhân bị hạ canxi, khi gặp sự cố bất ngờ đã ngất xỉu và co giật. Nếu không được sơ cấp cứu kịp thời có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Nhiều người thắc mắc ai có thể bị hạ canxi, tại sao dẫn đến tình trạng này?

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, cho hay hạ canxi máu là tình trạng nồng độ canxi trong máu dưới giới hạn cho phép, gây ra triệu chứng tê tay chân, chóng mặt, thậm chí co giật, ngất xỉu.

Tuy nhiên khi có những biểu hiện này cần được kiểm tra kỹ lưỡng, tránh chẩn đoán nhầm với các bệnh lý như hạ đường huyết.

Thông thường hạ canxi máu thường gặp ở những người có chế độ ăn thiếu canxi, cơ thể giảm khả năng hấp thụ canxi do thiếu vitamin D, bị cắt đoạn ruột. Hoặc những người mắc các bệnh lý khác như rối loạn nội tiết, sau điều trị ung thư tuyến giáp, hội chứng giảm hấp thụ canxi mãn tính,…

Hạ canxi máu có biểu hiện như thế nào?

Theo bác sĩ Hưng, hạ canxi máu thể nhẹ ở người lớn thì các triệu chứng thường không rõ ràng. Khi bệnh ngày càng tăng thì sẽ có các dấu hiệu như tăng phản xạ gân xương, cảm thấy đau thắt bụng, nhịp tim rối loạn.

Về mặt tâm lý có thể xảy ra tình trạng trầm cảm, cáu gắt với người khác, hay ngủ gật hoặc cảm thấy bản thân chậm chạp, lười biếng hơn. Người bệnh còn gặp các triệu chứng co giật, co thắt cơ.

Đối với hạ canxi máu ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh sẽ có biểu hiện như trẻ không chịu bú, quấy khóc, khó chịu, hay ngủ gà gật, biếng ăn hơn. Bên cạnh đó là những phản xạ gân xương và co rút cơ giống như ở người lớn.

Ngoài ra, một vài triệu chứng hạ canxi cấp tính người bệnh thường gặp phải như co giật, co thắt cơ nặng. Những trường hợp này phải nhanh chóng đưa đi cấp cứu ngay lập tức để được điều trị y tế kịp thời.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác cũng có thể gây tình trạng hạ canxi trong máu như nồng độ phospho trong máu tăng cao; người mắc bệnh thận; người nghiện rượu, thuốc lá nặng.

Hoặc do chế độ dinh dưỡng không cân bằng, ăn thiếu nhóm thực phẩm chứa canxi và vitamin D; nồng độ albumin máu, magie máu thấp; viêm tụy. Ngoài ra, người sau phẫu thuật cũng có nguy cơ hạ canxi máu

Làm gì để phòng tránh hạ canxi máu?

Bác sĩ Hưng khuyến cáo người bị hạ canxi máu cần tham khảo ý kiến của bác sĩ. Bởi tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra hạ canxi máu, các bác sĩ sẽ có những chỉ định phương pháp điều trị khác nhau.

Đối với trường hợp hạ canxi máu do thiếu canxi cần bổ sung các thực phẩm giàu canxi và vitamin D vào trong chế độ ăn uống, có thể uống bổ sung canxi, vitamin D. Ngoài ra chúng ta có thể bổ sung thông qua các thực phẩm giàu canxi và vitamin D như phô mai, hạnh nhân, các loại hạt, đậu, sữa chua, tôm, cá hồi, hàu...

Ngoài ra, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao, nâng cao sức khỏe, chơi một số môn thể thao tốt cho xương như đi bộ, bơi lội, bóng rổ…

Nên bỏ hút thuốc vì hút thuốc là nguyên nhân gây mất canxi, người nghiện thuốc thường đào thải nhiều canxi ra ngoài bằng đường nước tiểu hơn so với người bình thường.

Bên cạnh đó, một số đối tượng dễ hạ canxi máu như phụ nữ mang thai, người sau phẫu thuật, cần chú ý theo dõi sức khỏe, khám sức khỏe định kỳ để được thăm khám và điều trị kịp thời.