Khi nhận được lời kêu gọi ủng hộ tiền từ công ty, trường học, nơi ở... tôi băn khoăn, nhưng sau đó nhận ra mình đã nghĩ quá nhiều.

Cơn bão Yagi (bão số 3) càn quét khu vực các tỉnh miền Bắc cuối tuần trước gây thiệt hại nặng nề. Truyền thông đưa tin liên tục, mạng xã hội phát triển là lợi thế để chúng ta tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và có các biện pháp phòng, chống, hỗ trợ một cách nhanh và kịp thời nhất.

Một trong những biện pháp chính trong và sau bão là công tác kêu gọi ủng hộ, từ thiện.

Trong công tác thiện nguyện, nhiều đoàn thể, tập thể, đơn vị, doanh nghiệp đã tự phát, vận động nhau hướng về đồng bào. Người có công góp sức, người có vật dụng góp vật dụng, người có tiền góp tiền.

Đó là những hành động thật đáng trân trọng. Thế nhưng, ở đâu đó, khi nhận được lời kêu gọi và từ các đơn vị, tổ chức hay cả các cá nhân, team nhóm tự phát, sẽ còn những băn khoăn rằng: Tôi đang phải ủng hộ từ nhiều phía, ở nơi sinh sống, cơ quan làm việc, các hội nhóm có liên quan, trường học của các con, các hội... Và liệu rằng, trong biển người ủng hộ, nhà nhà, người người, doanh nghiệp ủng hộ số tiền khá lớn. Và số tiền này sẽ được chi trả thế nào, quản lý ra sao, đến được người dân bao nhiêu? Như thế nào là hợp lý?

Nếu xét về lý thì hoàn toàn đúng đắn bởi chúng ta là người chi tiền. Để có tiền ủng hộ chúng ta với cuộc sống của mình cũng đã luôn ý thức lao động tốt nhất để tạo ra của cải vật chất, có ý thức tiết kiệm để có tiền chi vào việc này việc khác.

Thậm chí, chúng ta cũng khó khăn, kinh tế có thể không dư giả nên đồng tiền chúng ta chi ra, dù vẫn xuất phát từ tình yêu thương đồng bào, người gặp nạn khó khăn nhưng vẫn có quyền đắn đo về những lý do như trên.

Khi nhà trường kêu gọi ủng hộ, tôi hỏi con tôi xem tiền tiết kiệm có được bao nhiêu. Con nói: "Cũng không được nhiều". Tôi lại hỏi: "Lý do con không tiết kiệm được nhiều?".

Con trả lời: "Vì hè vừa rồi con tiêu nhiều thứ lặt vặt cho cá nhân vượt quá".

Tôi hỏi bạn còn lại: "Con có được bao nhiêu?". Con nói: "Con có được nhiều hơn anh mẹ ạ". Thế là tôi động viên các con hãy ủng hộ toàn bộ số tiền mà các con đang có".

Các con vui vẻ đồng ý. Bởi trên phương tiện truyền thông, hàng ngày các con đã xem từng cảnh chi tiết về những người trong mưa lũ, cảnh trẻ em, người già vùng cao bơi trong nước, lội bùn đất và có những người mất tích không tìm được, có những người đã hy sinh vì tham gia chống lũ.

Họ không chỉ bỏ thời gian, sức lực để tham gia vào cứu trợ người dân mà họ đã bỏ toàn bộ tình yêu thương đồng bào và lý tưởng cao cả vào đó.

Những chiếc xe chở những chuyến hàng cứu hộ trong đêm, mặc dù ngoài kia gió bão vẫn mạnh, nước vẫn dâng lên, phương tiện và sức lực để đi vào hỗ trợ vô cùng khó khăn. Có thể, trên đường đi hoặc khi đang thực hiện cứu trợ, họ sẽ gặp nguy hiểm, bị thương, không ngủ, không ăn và thậm chí hi sinh cả tính mạng.

Nhưng họ vẫn đi, không sân si và nghĩ ngợi quá nhiều. Vì từng phút, từng giây đều đáng quý. Vì vậy, nếu xét về tình, thì tình yêu thương khơi dậy trong ta đáng quý và cần đặt lên trên cái lý của cuộc đời. Chúng ta hãy cho đi để đồng bào gặp nạn của chúng ta được động viên ít nhất là về vật chất, về tinh thần có thêm niềm hy vọng.

Mỗi sự yêu thương dù là nhỏ thôi, hãy biến nó thành hành động và hãy nghĩ rằng: Dù chúng ta chỉ là hạt cát và vô danh trong biển người ủng hộ thì khi chúng ta còn được nằm trong đệm êm của cái phòng mát lạnh giữa mùa hè thì có người đang màn trời chiếu đất.

Khi chúng ta bớt đi một vài chi tiêu có thể bớt được là để kịp thời trao cho người mất hết tài sản, người thân có được chút động lực để cuộc sống đời thường sớm trở lại.

Cuộc sống không quá dài cũng không quá ngắn, chúng ta không chỉ sống cuộc đời cho riêng mình mà mỗi chúng ta đều có nhiều mối quan hệ, trong đó làm gương cho các con, cho người xung quanh ta bằng hình ảnh tốt đẹp sẽ tạo nên những hạt giống, nhân cách tốt.

Lê Châm