"Linh ứng" - Hành trình tâm linh và nỗi đau chiến tranh của người ở lại

(Dân trí) - "Linh ứng" không chỉ là câu chuyện tâm linh, tìm mộ liệt sĩ, mà còn giúp cho người đọc thấu hiểu nỗi đau chiến tranh để trân trọng bình yên của hiện tại, và hướng tới tương lai tốt đẹp hơn.

"Linh ứng" không phải là một câu chuyện "siêu thực", lôi kéo người đọc bằng lối kể ma mị thường thấy của tiểu thuyết liêu trai, mà đó là câu chuyện thật được kể bằng lối viết chân thực của một người tự nhận là "siêu vô thần được dẫn dắt vào thế giới tâm linh". Hơn thế nữa, cuốn sách còn được nhận định là mang tầm vóc đồ sộ của ký ức, lịch sử, văn hóa, tình người, tình đồng đội và mang triết lý nhân sinh sâu sắc.

"Linh ứng" - Hành trình tâm linh và nỗi đau chiến tranh của người ở lại  第1张

"Linh ứng" - Hành trình tâm linh của Nguyễn Mạnh Tuấn và nỗi đau chiến tranh của những người ở lại.

Hành trình tâm linh của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn là câu chuyện tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi (anh ruột của tác giả). Trong quá trình tìm kiếm, ông được giới thiệu với nhiều nhà ngoại cảm có năng lực đặc biệt trong việc tìm mộ. Rồi trong cái thật, giả lẫn lộn của ma trận tâm linh; khi năng lực ngoại cảm vẫn còn đang là một đề tài được nghiên cứu, gia đình nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn cũng đã có dịp tiếp xúc với ba nhà ngoại cảm…

"Linh ứng" - Hành trình tâm linh và nỗi đau chiến tranh của người ở lại  第2张

Hành trình tâm linh của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn là câu chuyện tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi (anh ruột của tác giả).

Nếu chỉ đọc sách để tìm những luận giải về thế giới tâm linh thì chắc hẳn bạn đọc sẽ thất vọng, bởi cuốn sách không nhằm giải thích hiện tượng kỳ bí hay nghiên cứu khoa học. Dù "Linh ứng" có thể được xem là hồi ký về cuộc tìm kiếm mộ liệt sĩ nhưng càng đọc sách, chúng ta càng như bị cuốn theo cuộc đời của nhân vật chính, liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi. Chàng trai dũng cảm, đa tài, với lý tưởng hy sinh bản thân vì Tổ quốc như mang "thép tôi trong lửa đỏ và nước lạnh". Anh là đại diện của một thế hệ thanh niên Việt Nam sinh ra trong thời loạn lạc của đất nước, nghe theo tiếng gọi của tổ quốc lên đường chiến đấu vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, giống như nhân vật Pavel trong truyện "Thép đã tôi thế đấy" của nhà văn Liên Xô Nikolai Ostrovsky.

Thông qua hình tượng người thanh niên thủ đô hào hoa, ta nhìn thấy bức tranh Hà Nội của những năm 1940 sống động và đầy ắp tình người. Đó là sự gắn bó với dòng tộc, gia đình, hàng xóm, bạn bè. Những đứa trẻ Hà Nội cùng lớn lên, dù tính cách, con đường, lý tưởng có khác nhau, dù ở hai bên chiến tuyến nhưng vẫn luôn hướng về nhau với sự yêu thương, tin tưởng và khi ngã xuống, họ vẫn muốn bên nhau, như hai người bạn Nguyễn Minh Khôi và Danh Hùng.

Cùng với những trang sách cảm động, trong đó linh hồn của liệt sĩ linh thiêng đã dẫn dắt cho người nhà, cho đồng đội tìm thấy di cốt của mình, người viết nhìn thấy nỗi đau chiến tranh của những người ở lại. Dù nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng vết thương vẫn còn nhức nhối nơi những người mẹ, người cha, người em vì chưa thể tìm thấy hài cốt người thân của mình. Hay có những vết sẹo dù đã lên da non nhưng thỉnh thoảng vẫn tấy lên nơi những chiến sĩ tình báo hoạt động trong lòng địch. Họ đã phải từ bỏ gia đình, hy sinh người thân, chấp nhận những tai tiếng, mất mát không bù đắp được để hoàn thành nhiệm vụ.

"Linh ứng" - Hành trình tâm linh và nỗi đau chiến tranh của người ở lại  第3张

Với lối kể chuyện đan xen giữa hiện tại và quá khứ, "Linh Ứng" đã truyền tải một cách sâu sắc câu chuyện nhân văn về cuộc đời của anh hùng, liệt sĩ Nguyễn Minh Khôi.

 Cuốn sách không còn là hồi ức của riêng tác giả, mà còn có giá trị lịch sử về một thời đại hào hùng và bi tráng của dân tộc.

Thế hệ chúng tôi lớn lên, dù không trải qua bom đạn chiến tranh nhưng những trang sách đã giúp chúng tôi thêm hiểu và tự hào về lịch sử dân tộc, đồng thời cũng thêm tôn vinh và ngưỡng mộ những anh linh liệt sĩ đã ngã xuống vì hòa bình của đất nước hôm nay.

Theo First News