Thị trường mua trước trả sau sôi động, Việt Nam thu hút ông lớn Hàn Quốc - Tập đoàn Lotte - gia nhập cuộc chơi.

Lotte nhảy vào thị trường mua trước trả sau sôi động ở Việt Nam  第1张

Dịch vụ mua trước trả sau được giới trẻ yêu thích - Ảnh: VŨ PHƯƠNG

Dịch vụ mua trước trả sau cho phép người tiêu dùng mua sắm và thanh toán thành nhiều kỳ hạn khác nhau.

Từ việc sử dụng dịch vụ trả sau cho các món hàng lớn, dần dần các công ty tài chính hướng tới các sản phẩm dịch vụ có giá trị nhỏ như vé xem phim, quần áo, thực phẩm…

Đặc biệt, khi thị trường thương mại điện tử bùng nổ, dịch vụ mua trước trả sau tại Việt Nam cũng tăng mạnh.

Theo báo cáo của Research and Markets, quy mô thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam thời điểm cuối năm 2023 đạt 1,32 tỉ USD và được kỳ vọng tăng trưởng 44% trong năm 2024, đạt mức 1,9 tỉ USD.

Nhận thấy tiềm năng ở thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam, ngày 27-9, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã dấn bước vào thị trường này với ứng dụng mua trước trả sau Lotte C&F. 

Người tiêu dùng Việt có thể sử dụng các dịch vụ của Lotte C&F khi mua sắm trực tuyến tại Lotte mart với các sản phẩm đa dạng từ thực phẩm, đồ gia dụng đến thiết bị điện tử.

Theo ông Shin Ju Back, tổng giám đốc Lotte mart, dịch vụ mua trước trả sau bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam vào năm 2019 và tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ 32% mỗi năm.

Dịch vụ này được dự đoán sẽ sớm thành phương thức thanh toán cốt lõi tại tất cả các cửa hàng và trang thương mại điện tử trong thời gian tới.

Các sản phẩm mua trước trả sau có tính chất đón đầu xu thế thanh toán đang được nhiều người ưa chuộng, nhất là khi Việt Nam hướng tới một nền kinh tế không tiền mặt.

Lotte nhảy vào thị trường mua trước trả sau sôi động ở Việt Nam  第2张

Tổng giám đốc Lotte C&F Inaishi Noritaka đánh giá cao tiềm năng thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN HIỀN

Còn ông Inaishi Noritaka - tổng giám đốc của Lotte C&F - cho biết hiện mới chỉ có khoảng 10% dân số Việt Nam có thẻ tín dụng, một sản phẩm đòi hỏi chứng minh thu nhập cao của người sở hữu.

Trong khi đó, dịch vụ mua trước trả sau hướng tới những người có thu nhập trung bình nhưng có hành vi tiêu dùng tốt, có nhu cầu mua trước trả sau cho những mặt hàng có giá trị nhỏ như thực phẩm, vé xem phim hay đồ gia dụng.

Ông Inaishi kỳ vọng khách hàng Việt có thể yên tâm mua sắm với ứng dụng mua trước trả sau của doanh nghiệp. 

Đơn vị đầu tiên tại Việt Nam mà Lotte C&F hợp tác là chuỗi siêu thị Lotte mart với gần 10.000 khách hàng mỗi tháng. 

Người tiêu dùng Việt có thể sử dụng dịch vụ này để mua sắm thực phẩm, hàng gia dụng hay các thiết bị điện tử.

Theo ông Inaishi, ở hình thức mua sắm này cả người dùng và các nhà bán lẻ đều có lợi ích khi tham gia dịch vụ.

Với người tiêu dùng đó là ưu đãi mua sắm, thuận tiện và thanh toán linh hoạt, trong khi các nhà bán lẻ có cơ hội thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Hiện các ông lớn trên thế giới như Amazon, Apple, Shopee cũng đã triển khai dịch vụ này để tăng doanh số.

Hình thức mua sắm này cũng được giới trẻ yêu thích bởi nhiều ưu điểm như thanh toán dễ dàng, có thể mua ngay món đồ yêu thích mà không cần có sẵn tiền trong tài khoản.

Làm việc cả ngày tại văn phòng, thời gian dành cho việc mua sắm trực tiếp của chị Thu Hà (huyện Đông Anh, Hà Nội) dần ít hơn.

Các vật dụng cá nhân từ quần áo, giày dép đến mỹ phẩm đều được chị Hà mua trên sàn thương mại điện tử.

"Khi mua sắm trực tuyến, tôi có thể mua trước trả sau một cách dễ dàng và việc trả các khoản đó cũng thuận tiện, nên đôi khi trong những ngày cuối tháng chưa nhận được lương tôi thường chọn trả sau cho các khoản chi tiêu nhỏ.

Việc mua trước trả sau cũng không khiến tôi gặp khó khăn trong quản lý chi tiêu", chị Hà chia sẻ.