Quyền lợi khách hàng sẽ được đảm bảo như thế nào với những 'life coach' kiểu này?

"Tôi là người từng dùng dịch vụ khai vấn cuộc sống. Life coach khai vấn theo kiểu khơi gợi lại những nổi đau tôi đã trải qua và chữa lành những điều đó bằng lòng biết ơn. Tôi thấy cách này không ổn và không hiệu quả.

Tôi cũng từng tham gia vài khóa học miễn phí, vài buổi hội thảo. Họ ca ngợi về tổ chức rất nhiều và lôi kéo tôi đăng ký các khóa học. Nhưng tôi nhất quyết nói không. Và khi không thuyết phục được thì họ trở mặt, không đếm xỉa tới.

Tôi cũng đã từng thắc mắc vì sao việc trở thành life coach lại dễ như vậy. Chỉ cần bỏ tầm 400 triệu đồng đến một tỷ đi học là có thể làm được mà không cần làm các bài thi hay các cuộc kiểm tra, cũng không có chứng chỉ hành nghề hay giấy chứng nhận gì để đảm bảo, cũng không có giấy tờ hay hợp đồng nào để đảm bảo quyền lợi khách hàng cả.

Đã vậy trong quá trình khai vấn họ cũng rủ tôi vào học (khai vấn với mục đích chính là giúp khách hàng giải quyết vấn đề hay là kiếm thêm khách hàng cho các khóa học của họ?).

Chưa kể chỉ cần ngồi khai vấn 2-3 tiếng thì số tiền nhận được ít nhất là tầm 3 triệu đồng, có thể lên đến vài chục, vài trăm triệu".

Độc giả Nhi, bình luận như trên, kể về cảnh trớ trêu khi dùng dịch vụ khai vấn với các huấn luyện viên cuộc sống (life coach), lại được mời gọi đăng ký khóa học với giá hàng trăm triệu đồng. Đồng thời, độc giả này lo ngại về quyền lợi của khách hàng không đảm bảo, khi "trở thành life coach quá dễ dàng". Bình luận được viết sau bài podcast Loạn danh xưng 'huấn luyện viên cuộc sống'

Chất lượng life coach và quyền lợi của khách hàng cũng là vấn đề khiến độc giả leah.vu.pham thắc mắc:

"Vấn đề là những khách hàng bỏ tiền mua dịch vụ khai vấn (tính theo giờ) đều đang lạc lối ở một khía cạnh nào đó của cuộc sống, tức là lý trí của họ đang rối rắm, nôm na là suy nghĩ rối ren trong ma trận của những suy diễn về những điều không có thật, thậm chí ảo tưởng.

Ban đầu, ngỡ như life coach giúp khách hàng gỡ rối (vì khai vấn 1-1 tạo ra không khí giống một buổi trị liệu tâm lý) nhưng thực chất khiến khách hàng càng luẩn quẩn suy nghĩ thêm.

Trong khi con người sáng tạo và sáng suốt nhất khi hoàn toàn buông suy nghĩ, chứ không phải những lúc vắt óc ra suy xét, phân tích, toán tính. Ngoài ra, quy trình đào tạo life coach quá dễ dãi và... đa cấp.

Bất cứ ai, với số tiền đủ nhiều, đều có thể trở thành người đi khai vấn về cuộc sống và họ không có ràng buộc trách nhiệm với kết quả công việc; nếu khách hàng sau khi bỏ hàng nghìn đôla mua giờ khai vấn mà vẫn không cải thiện được vấn đề thì đó hoàn toàn là lỗi của khách hàng".

Độc giả Fool:

"Rất nhiều bạn trẻ, trải nghiệm cuộc đời không biết được bao nhiêu mà đã xưng là life coach. Không hiểu họ đã trải nghiệm bao nhiêu tình huống trong cuộc đời, am hiểu bao nhiêu về cuộc sống, đạt được những thành tựu gì để đi coach người khác? Họ đã tự. xử lý được cuộc đời của chính họ hay chưa.

Lợi dụng khoảng trống yếu đuối của GenZ, nhu cầu "chữa lành", "định hướng cuộc đời", mà life coach mọc lên như nấm. Cứ qua một khóa học là thành life coach. Dễ vậy sao?".

Hữu Nghị tổng hợp