Mỹ lên tiếng vụ F-16 rơi ở Ukraine
(Dân trí) - Mỹ chưa thể xác định liệu máy bay chiến đấu F-16 rơi ở Ukraine có phải do bị bắn nhầm hay không và cũng chưa nhận được đề nghị nào từ Kiev về việc tham gia cuộc điều tra.
Phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh (Ảnh: AFP).
Tại cuộc họp báo ngày 29/8, phó phát ngôn viên Lầu Năm Góc Sabrina Singh cho biết, Mỹ hiện không thể xác nhận liệu máy bay F-16 mà phương Tây mới bàn giao cho Ukraine đã bị hệ thống phòng không Patriot bắn rơi do nhầm lẫn hay không.
"Chúng tôi không thể xác nhận. Hiện chúng tôi chưa có thông tin đáng tin cậy. Do vậy, về việc liệu F-16 của Ukraine có bị bắn nhầm hay không, chúng tôi chưa thể nói điều gì. Hãy để người Ukraine nói", bà Singh cho biết.
Bà cũng nói thêm: "Mỹ chưa nhận được bất cứ đề nghị tham gia vào bất cứ cuộc điều tra nào về vụ việc này".
Trước đó, báo Wall Street Journal dẫn lời một quan chức giấu tên cho hay, Ukraine đã mất một máy bay F-16, không lâu sau khi nhận bàn giao từ các đồng minh phương Tây. Theo quan chức này, máy bay có thể bị rơi do lỗi của phi công.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine cuối ngày hôm qua xác nhận, một máy bay chiến đấu F-16 của nước này được phương Tây viện trợ đã rơi trong quá trình tác chiến hôm 26/8 nhằm ngăn chặn cuộc không kích lớn chưa từng có của Nga. Theo Bộ trên, thời điểm đó, một số F-16 và các hệ thống phòng không của Ukraine tìm cách đối phó cuộc tấn công của Moscow.
"Một trong các máy bay F-16 bị mất liên lạc khi bay theo mục tiêu. Máy bay sau đó được xác định đã rơi và phi công thiệt mạng", Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết.
Ukraine đã lập một ủy ban đặc biệt để điều tra vụ việc. Các chuyên gia quốc tế cũng sẽ được mời tham gia điều tra. Theo nguồn tin thân cận, cuộc điều tra sẽ xét đến một số giả thuyết trong đó có lỗi phi công, trục trặc kỹ thuật và bị bắn nhầm.
Vụ rơi máy bay khiến phi công Oleksiy Mes thiệt mạng. Đây là một trong số ít phi công Ukraine được phương Tây huấn luyện để lái F-16.
F-16 do tập đoàn Lockheed Martin của Mỹ chế tạo. Máy bay có thể mang phóng được nhiều loại bom và tên lửa hiện đại.
Các đồng minh phương Tây đã cam kết cung cấp ít nhất 79 máy bay loại này cho Ukraine. Tuy nhiên, hiện tại, Ukraine dường như mới nhận khoảng 10 máy bay đầu tiên hồi cuối tháng 7, đầu tháng 8.
Kiev hy vọng phi đội F-16 do phương Tây viện trợ sẽ giúp họ chiếm ưu thế trên chiến trường. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Wall Street Journal, nhiều máy trong số này đã quá cũ sau hàng chục năm biên chế, do vậy dễ tổn thương trước các tên lửa phòng không của Nga.
Trong khi đó, phi công Ukraine thiếu kinh nghiệm vận hành an toàn những chiếc F-16.
Khóa đào tạo cho phi công Ukraine bị đẩy nhanh do nhu cầu chiến trường. "Thành thật mà nói, vẫn còn rủi ro", Wall Street Journal dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết.
Theo TASS
Đăng thảo luận