Những nghị định do Chính phủ ban hành liên quan lĩnh vực công tác xã hội và quy định việc khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng để ở sẽ có hiệu lực trong tháng 10-2024 này.
Người hành nghề công tác xã hội bị nghiêm cấm cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng - Ảnh minh họa: CHÂU TUẤN
Trong đó, nghị định về công tác xã hội sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15-10. Nghị định này quy định quyền và nghĩa vụ của đối tượng công tác xã hội; quyền và nghĩa vụ của người hành nghề công tác xã hội;
Điều kiện đăng ký hành nghề công tác xã hội; thực hành nghề công tác xã hội; thẩm quyền, hồ sơ, thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội.
Những hành vi bị nghiêm cấm đối với người làm công tác xã hội
Theo nghị định, người hành nghề công tác xã hội bị nghiêm cấm cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng (gồm: cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội) hoặc người giám hộ hoặc người đại diện, trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Quy định cũng cấm lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật; lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân.
Đồng thời cấm thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thỏa thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; cấm lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở
Cũng từ 15-10, nghị định số 108/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công (gọi tắt là nhà, đất) không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác cũng sẽ có hiệu lực thi hành.
TIN LIÊN QUANHàng loạt hành vi bị nghiêm cấm khi hành nghề công tác xã hội
Ngành công tác xã hội: Cơ hội mở ra cánh cửa việc làm đầy hứa hẹn
Nghị định này quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà đất giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác với mục đích:
Cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất) và tạm quản lý trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật.
Trách nhiệm quản lý đối với nhà, đất trên thuộc về UBND cấp tỉnh. Đơn vị này sẽ là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý quỹ nhà, đất của địa phương giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác.
Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì, giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước đối với nhà, đất giao cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác.
Việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải đảm bảo hiệu quả, giải quyết nhu cầu về nhà, đất phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, đặc biệt phải công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Việc giao nhà, đất cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác được thực hiện theo hình thức ghi tăng tài sản và giá trị tài sản không tính thành phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Điều kiện hành nghề công tác xã hội
Theo nghị định về công tác xã hội, công dân Việt Nam, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có đủ một số điều kiện để được hành nghề công tác xã hội như:
Có trình độ chuyên môn chuyên ngành công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học, giáo dục đặc biệt hoặc chuyên ngành khoa học xã hội khác; bảo đảm sức khỏe; có năng lực hành vi dân sự; không vi phạm pháp luật... và phải có giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp còn hiệu lực.
Đăng thảo luận