Smartphone quá nhiệt do nắng nóng khiến nhiều người tìm đến túi chườm đá, miếng hạ nhiệt, băng dán y tế để làm mát điện thoại.

Theo Sina, các từ khóa liên quan đến "miếng dán hạ nhiệt", "túi đá làm mát" cho smartphone đang được tìm kiếm khắp các sàn thương mại điện tử. Một trong những nguyên nhân là nhiều nơi đang trải qua nắng nóng kỷ lục và smartphone của người dùng bị nóng lên bất thường.

Trên mạng xã hội, chủ đề liên quan đến "chống say nắng" cho smartphone cũng được thảo luận sôi nổi. Người dùng truyền tai nhau nhiều cách lạ để giảm nhiệt cho smartphone. Một số mua túi đá mini chườm lên mặt lưng của điện thoại. Số khác mua miếng dán lạnh khi dùng smartphone ngoài trời nắng.

Người Trung Quốc chườm đá chống 'say nắng' cho smartphone  第1张

Túi đá và miếng dán hạ nhiệt được người dùng Trung Quốc chống "say nắng" cho smartphone. Ảnh: Sina

Mạng xã hội Trung Quốc thậm chí đang lan truyền mẹo dán băng y tế urgo lên khu vực gần camera, sau đó xịt cồn hoặc nước lên miếng bọt biển. "Khi điện thoại tạo ra nhiệt trong quá trình sử dụng, cồn hoặc nước trên băng sẽ bắt đầu bay hơi, lấy đi một phần nhiệt, từ đó giúp điện thoại mát hơn", trang công nghệ Sina viết.

Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý việc dùng túi đá hoặc các chất lỏng để hạ nhiệt cho smartphone trong điều kiện nắng nóng có thể gây tác dụng phụ. Theo đại diện bộ phận chăm sóc khách hàng của Vivo, việc tiếp xúc đột ngột với đá hoặc miếng hạ nhiệt khi smartphone ở nhiệt độ cao có thể khiến hơi nước ngưng tụ nhanh, tạo thành giọt, ảnh hưởng đến linh kiện bên trong.

Trong khi đó, tư vấn viên của Honor khuyến cáo người dùng chỉ nên làm mát bằng cách đặt máy trong môi trường mát, dùng quạt nhỏ hoặc bộ tản nhiệt. Smartphone sẽ tự hạ nhiệt khi được "nghỉ".

Người Trung Quốc chườm đá chống 'say nắng' cho smartphone  第2张

Người dùng Trung Quốc dán băng y tế lên mặt lưng để làm mát smartphone. Ảnh: Weibo

Trên trang hướng dẫn, Apple cho biết nhiệt độ quá lạnh cũng khiến thiết bị ngưng hoạt động, do đó không nên làm mát iPhone đột ngột. Người dùng nên tránh để điện thoại trong xe ngày nóng, tránh ánh sáng mặt trời chiếu vào thiết bị trong thời gian dài. Một số tính năng như GPS, điều hướng hoặc chơi game có đồ họa cao cũng không được khuyến khích sử dụng thường xuyên dưới nắng nóng.

Theo ông Trần Thái Hiếu, Kỹ thuật viên trưởng Viện Di Động, smartphone được thiết kế để tự làm mát. Tuy nhiên, nếu dùng trong môi trường nóng hoặc chơi game đồ họa nặng, quay video thời gian dài có thể khiến máy quá nhiệt. Việc này khiến các ứng dụng dễ bị treo, giảm tuổi thọ linh kiện, nguy hiểm hơn là gây cháy nổ. Để làm mát, người dùng vẫn có thể chọn phụ kiện như "sò lạnh" hoặc quạt tản nhiệt. Tuy nhiên, nên ưu tiên quạt làm mát không dùng nguồn điện trực tiếp từ điện thoại, chọn hàng chính hãng, thương hiệu rõ ràng, tránh hàng trôi nổi, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Một vấn đề khác liên quan đến hiện tượng quá nhiệt trên smartphone đang được cộng đồng quan tâm là chất lượng tín hiệu của Internet. Nhiều người cho biết điện thoại của họ có xu hướng kết nối chậm hơn, thậm chí mất tín hiệu khi bị nóng lên. Hồi tháng 4, Apple cảnh báo tình trạng quá nhiệt khiến thiết bị phải thay đổi hiệu suất để giảm nhiệt, bảo vệ các thành phần bên trong.

Theo hãng công nghệ Mỹ, nếu nhiệt độ bên trong thiết bị vượt ngưỡng quy định, người dùng có thể nhận thấy một số thay đổi như: Sạc sẽ chậm hoặc dừng lại; Màn hình mờ đi hoặc chuyển sang màu đen; Dữ liệu di động chuyển sang trạng thái kết nối thấp; Tín hiệu có thể yếu đi.

Khương Nha