Người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm cho nên xu hướng ở lại các tỉnh nhiều hơn, vì vừa được ở gần nhà, giảm nhiều chi phí và dễ sống với phong tục tập quán quê hương.

Người lao động về quê làm việc: Nên vui, chớ lo  第1张

Người lao động phải có đồng lương sống được và có tích lũy, ngoài chuyện đóng đủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thì các doanh nghiệp phải tính đến chuyện "an cư" cho công nhân - Ảnh: C.T

Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai cho biết trong năm 2023 và sáu tháng đầu năm 2024 có khoảng 60.000 người lao động rời Đồng Nai về các tỉnh thành thuộc Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ.

Vì vậy, các cơ sở sản xuất Đồng Nai "khát" lao động, đặc biệt ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất - chế biến gỗ…

  • Hỗ trợ 400 vé máy bay một chiều cho lao động về quê đón Tết

  • Học đại học lo thất nghiệp, đi xuất khẩu lao động kiếm tiền sớm khỏe hơn?

Tình hình tương tự cũng đang diễn ra ở Bình Dương và TP.HCM. Nhà máy Samho ở Củ Chi cần thêm 1.500 công nhân nhưng mấy tháng nay chỉ mới tuyển được 300 người, theo bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM.

Lý do đầu tiên là tất cả các tỉnh thành đều đã có các khu công nghiệp, có tỉnh nhiều tỉnh ít, nhưng rõ ràng người lao động không buộc phải tìm đến Đông Nam Bộ để tìm kiếm việc làm nữa.

Những năm gần đây, các tỉnh trước kia thuộc nhóm nghèo nhất thì nay cũng đã chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư nên tạo ra nhiều việc làm, chưa kể sản phẩm nông nghiệp lại bước vào thời kỳ hưng thịnh nhất từ trước đến nay, nông thôn mới làm thay đổi cuộc sống nghèo nàn lạc hậu.

Người lao động có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm cho nên xu hướng ở lại các tỉnh nhiều hơn, vì vừa được ở gần nhà, giảm nhiều chi phí và dễ sống với phong tục tập quán quê hương.

Điều này không chỉ có lợi cho công nhân, mà trên phương diện quốc gia, đây chính là cơ hội để rút ngắn khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, thực hiện chiến lược "ly nông bất ly hương".

Sau dịch COVID-19, người lao động nhận thấy cuộc sống rất bấp bênh với những rủi ro quá lớn nơi thị thành.

Với mức lương công nhân hiện nay rất khó để có tích lũy, trong khi chi phí cho thuê nhà, ăn uống, đi lại, học hành, chữa bệnh… chiếm gần hết thu nhập, chỉ cần một lần gặp chuyện không hay như tai nạn, đau ốm là có thể rơi vào bế tắc ngay.

Do đó, họ có xu hướng tìm đến những công việc có thể thu nhập không cao nhưng lại an toàn và ổn định lâu dài.

Thiếu lao động là cái nguy nhưng cũng có thể biến nó thành cơ. Trong tình thế bắt buộc này, vùng Đông Nam Bộ nắm bắt cơ hội để chuyển đổi nhanh, cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng chuyển công nghiệp, dịch vụ, thương mại sang chất lượng cao, giảm dần tuyển dụng lao động phổ thông, tay nghề thấp, tạo ra một trung tâm đẳng cấp quốc tế, ngang tầm khu vực không chỉ về kinh tế - tài chính mà còn văn minh, hiện đại.

Ở một khía cạnh khác, các công ty muốn giữ chân người lao động thì phải tạo ra môi trường sống chất lượng hơn hẳn trước kia.

Các doanh nghiệp cần ý thức được cái thời người trẻ tuổi đứng xếp hàng dài ngoài cổng nhà máy chờ phỏng vấn có thể đã qua rồi để thay đổi chính sách đãi ngộ và thái độ trọng thị đối với người lao động nhằm giữ chân họ lại với mình lâu dài.

Người lao động phải có đồng lương sống được và có tích lũy, ngoài chuyện đóng đủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thì các doanh nghiệp phải tính đến chuyện "an cư" cho công nhân như nhà ở xã hội, nhà lưu trú, nhà trẻ, trường học, chữa bệnh, vui chơi giải trí.

Hãy học người Nhật, giới chủ doanh nghiệp có chính sách đãi ngộ tốt thì mới có những nhà máy đa phần công nhân là người lao động nhiều thế hệ trong một gia đình, dòng họ tận tâm cống hiến và phục vụ hết mình. Thời buổi 4.0 này, nếu không thay đổi cung cách quản lý thì khó mà tồn tại.